Theo dõi trên

Triều Tiên cảnh báo tìm “ngã rẽ” mới cho vấn đề hạt nhân

06/08/2019, 14:29

Trước và ngay trong thời điểm Mỹ-Hàn tập trận chung, mang tên Đồng Minh; Triều Tiên đã tiến hành tới 4 vụ phóng thử tên lửa mới.

Cùng với vụ phóng mới nhất diễn ra vào sáng 6/8, Triều Tiên vừa lên tiếng cảnh báo sẽ tìm “con đường mới” nếu Mỹ - Hàn tiếp tục hành động “thù địch” và “thiếu ý chí chính trị” trong tiến trình đối thoại hòa bình.

Vụ phóng tên lửa sáng 6/8 là vụ thứ 4 của Triều Tiên trong vòng chưa đầy 2 tuần qua. Ảnh: ABC News

Hội đồng Tham mưu trưởng Hàn Quốc cho biết, 2 tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng từ Quận Kwail, thuộc tỉnh Nam HwangHae đã bay được 450 km, ở độ cao tối đa 37 km, hướng ra biển phía Đông của bán đảo Triều Tiên, tức biển Nhật Bản. Giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ nhận định, đây là các tên lửa tầm ngắn có những đặc điểm tương tự những tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đã phóng thử hôm 25/7 vừa qua.

Hiện Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng, để bàn về vụ việc, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Suh Hoon.

Về phía Nhật Bản, Chính phủ nước này đã lên tiếng xác nhận, không có bất cứ tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên vừa phóng đi vào lãnh thổ hay vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chính phủ hiện đang thu thập và phân tích thông tin. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ tên lửa đạn đạo nào rơi vào lãnh thổ hay vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, do đó chúng tôi chưa thấy bất kỳ mối đe dọa ngay lập tức nào đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản”.

Hiện cả Mỹ - Nhật – Hàn đều đang theo sát mọi diễn biến tình hình, đề phòng Triều Tiên có thể tiến hành thêm các vụ phóng mới, đặc biệt trong thời gian diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, bắt đầu từ ngày 5/8 vừa qua và dự kiến kéo dài trong nửa tháng.

Cùng thời điểm diễn ra vụ phóng mới nhất, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên sáng nay cũng phát đi tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích Mỹ, Hàn Quốc thiếu “ý chí chính trị” trong đối thoại hòa bình. Theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bất chấp những cảnh báo trước đó từ Bình Nhưỡng, Mỹ - Hàn cuối cùng vẫn tiến hành tập trận chung, hướng vào Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ, cuộc tập trận là một sự phủ nhận rõ ràng và vi phạm trắng trợn tuyên bố chung Mỹ - Triều ngày 12/6 tại Singapore, tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, tuyên bố chung Bình Nhưỡng - những tuyên bố hướng tới việc cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều và xây dựng hoà bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo sẽ “tìm kiếm con đường mới” cho vấn đề hạt nhân cũng như tiến trình hòa bình trên bán đảo, nếu Mỹ - Triều tiếp tục các động thái quân sự thù địch.

Tuy nhiên, ngay sau đó, người phát ngôn quân đội Hàn Quốc Choi Hyun-soo lại cho rằng, chính các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây cũng “đi ngược lại” tình thần của “Tuyên bố chung tháng 9” đạt được tại thượng đỉnh liên Triều lần 3 trong năm ngoái tại Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi đã thông báo việc Triều Tiên bắn hai tên lửa vào sáng nay dựa trên những thông tin chúng tôi quan sát có được. Hiện giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang phân tích vụ việc một cách chính xác hơn. Chúng tôi thấy động thái này của Triều Tiên đi ngược lại tinh thần của Thỏa thuận ngày 19 tháng 9, vốn nhất trí thúc đẩy giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”, ông Choi Hyun-soo nhấn mạnh.

Thực tế, việc Mỹ - Hàn tập trận chung hay việc Hàn Quốc đẩy mạnh việc mua sắm khí tài quân sự hiện đại là nguyên nhân đã khiến Triều Tiên tức giận, thể hiện sự phản đối thông qua loạt vụ thử tên lửa gần đây. Các động thái mới của hai bên càng khiến cho tiến trình nối lại đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều trở nên khó khăn hơn, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí sớm nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa 2 nước, trong cuộc gặp mới nhất vào cuối tháng 6 vừa qua.

Đình Nam/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên cảnh báo tìm “ngã rẽ” mới cho vấn đề hạt nhân