Theo dõi trên

Trước chiến dịch tại Idlib (Syria), phiến quân đã ở bước đường cùng

30/08/2018, 14:11

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, cuộc tấn công của quân đội Syria nhằm vào lực lượng phiến quân ở tỉnh Idlib là không thể tránh khỏi.

Khi lực lượng Syria chuẩn bị binh lực cho cuộc tấn công quyết định giành lại quyền kiểm soát tỉnh Idlib, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quốc tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga và Mỹ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của 2 triệu cư dân nơi đây.

                
      
      Các tay súng của nhóm    phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS). Ảnh: Reuters.

Việc chiếm lại tỉnh Idlib sẽ cho phép quân đội Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát khu vực rộng lớn cuối cùng từ tay lực lượng nổi dậy kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu bùng phát ở quốc gia Trung Đông này hồi năm 2011.

Trong khi lực lượng quân đội Syria được không quân và hỏa lực hải quân Nga hỗ trợ tích cực triển khai hoạt động chuẩn bị cho cuộc tấn công nhằm vào lực lượng phiến quân, bao gồm cả nhóm Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) có liên hệ với Al-Qaeda thì Moscow và Ankara đang cố gắng thương thảo một giải pháp hạn chế thiệt hại và giải quyết dòng người tị nạn Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, cuộc tấn công nhằm vào Idlib là không thể tránh khỏi bởi đàm phán hướng tới chấm dứt chiến tranh giữa các bên liên quan ở Syria trong suốt hơn 7 năm qua chỉ đi đến thất bại.

Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cho biết: "Tôi nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc những bên khác có thể tránh được một cuộc tấn công vào Idlib hay việc quân đội Chính phủ Syria tiếp quản tỉnh này".

Ông Landis nói với Al Jazeera, trừ khi Mỹ có hành động gì đó quyết liệt, chẳng hạn như thiết lập một vùng cấm bay trên toàn khu vực tỉnh Idlib, nếu không, quân đội Syria với sự hỗ trợ của không quân Nga chắc chắn sẽ chiếm được Idlib.

Số phận của lực lượng phiến quân sẽ ra sao?

Thổ Nhĩ Kỳ có một số căn cứ quân sự ở Idlib. Theo thông tin của báo chí trong khu vực, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) – nhóm phiến quân trước đây được biết đến với tên gọi Mặt trận al-Nusra và một số nhóm vũ trang khác giải tán và rời Idlib.

Abu Mohammed al-Joulani, lãnh đạo của Hay'et Tahrir al-Sham tuyên bố đáp trả rằng sẽ không thèm đếm xỉa đến yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ và ra lệnh các chiến binh “nghe theo đấng tối cao, không khuất phục Thổ Nhĩ Kỳ” và chuẩn bị cho trận chiến trước mắt.

Tuy nhiên, một chuyên gia về Hồi giáo người Jordan đã bày tỏ nghi ngờ về lời kêu gọi các chiến binh sẵn sàng “tử chiến” của al-Joulani.

“Nhà lãnh đạo của HTS không trung thực bởi vì ông ta thực sự muốn theo phe Thổ Nhĩ Kỳ nhưng muốn có được nhiều hơn từ việc tuân thủ theo các yêu cầu do Ankara đưa ra. Khi ông ta không có được những gì mình mong muốn từ Thổ Nhĩ Kỳ, ông ta đã tuyên bố kêu gọi chiến tranh”, chuyên gia giấu tên nói với Al Jazeera.

Theo chuyên gia này, khi đạt được thỏa thuận có lợi, HTS hoàn toàn có thể giải tán và lý giải rằng động thái này “mang lợi ích tốt nhất của tôn giáo và cho người dân Idlib”.

HTS đã đến đường cùng

Landis nhất trí với quan điểm cho rằng thời gian dành cho các lựa chọn của Hay'et Tahrir al-Sham đã hết và Thổ Nhĩ Kỳ không thể đưa ra nhượng bộ.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép các thành viên của HTS tái định cư ở Thổ Nhĩ Kỳ vì sợ bị cáo buộc “nuôi dưỡng khủng bố”, qua đó làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với các cơ quan tình báo phương Tây.

Landis kết luận: “HTS đã đến bước đường cùng”.

Lựa chọn duy nhất mà các tay súng của nhóm này có thể có là di chuyển đến khu vực miền Bắc Syria, gần Aleppo – nơi các tay súng phiến quân khác vẫn đang nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng không hề đơn giản bởi nó có thể kích động xung đột giữa chính những tay súng nổi dậy.

Iran đắc lợi?

Một người chơi khác trên “bàn cờ Syria” chính là Iran, nước đã ủng hộ về mặt chính trị, tài chính và quân sự vững chắc Tổng thống Syria Bashar Al-Assad kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Ước tính có khoảng 1.000 người Iran, trong đó bao gồm cả những thành viên cao cấp của Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bỏ mạng ở Syria kể từ năm 2012 đến nay.

Hôm 26/8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đã gặp có cuộc gặp đáng chú ý với Tổng thống Al-Assad và người đồng cấp Syria Ali Abdullah Ayyoub ở Damascus.

“Không chỉ người dân trong khu vực mà người dân trên toàn thế giới đều mắc nợ những trận chiến chống khủng bố ở Syria, hãng tin Tasnim của Iran dẫn lời ông Hatami nói với Tổng thống Assad trong một cuộc họp.

Ông Hatami cũng nói thêm rằng, Syria đang “trải qua giai đoạn tái thiết đất nước hết sức quan trọng” sau khi vượt qua thời kỳ khủng hoảng và Iran sẽ luôn "hiện diện, tham gia và hỗ trợ" công cuộc tái thiết Syria. Ông Hatami đồng thời khẳng định "không có bên thứ 3 nào" có thể gây ảnh hưởng tới vấn đề này.

Vị quan chức cấp cao Iran khẳng định, sự hiện diện quân sự của nước này tại Syria là theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Assad và các cố vấn quân sự Iran vẫn sẽ ở Syria theo một thỏa thuận quốc phòng được hai nước ký kết hôm 27/8.

Hùng Cường/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước chiến dịch tại Idlib (Syria), phiến quân đã ở bước đường cùng