Theo dõi trên

Viễn cảnh thế giới sẽ ra sao khi không có Hiệp ước hạt nhân INF?

23/02/2019, 08:13 - Lượt đọc: 66

Động cơ hai cường quốc hạt nhân Mỹ và Nga rút khỏi INF còn phải tranh cãi nhiều, song câu hỏi thực tiễn được đặt ra là thế giới sẽ ra sao hậu INF?

Nga chuẩn bị sẵn kịch bản

Ngày 1/2/2019, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong vòng 6 tháng, trừ khi Moscow chấp nhận phá hủy tên lửa vi phạm hiệp ước. Đáp trả việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này, ngay ngày hôm sau, trong cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, Tổng thống Putin cũng tuyên bố, nước Nga quyết định đình chỉ việc tham gia vào INF, đồng thời chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Ngoại giao không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

                
      
      Năm 1987, Tổng thống    Liên bang Xô Viết Gorbachyov và Tổng thống Mỹ R. Reagan đã ký Hiệp    ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - (Ảnh WN).

Sau tuyên bố của phía Mỹ về việc rút khỏi INF, nhiều chuyên gia nhận định, chạy đua vũ trang sẽ diễn ra nhưng không bắt đầu ngay, mà có thể phải sau nhiều năm nữa, sau khi các hệ thống vũ khí mới ra đời. Kortunov - Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga cho rằng, sau INF, Hiệp ước Về vũ khí tiến công chiến lược (START-3) cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ; đã xuất hiện các nguy cơ đe dọa toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân ở cả cấp độ song phương và đa phương. Nhiều hiệp ước về kiểm soát vũ khí khác cũng có thể rơi vào vùng nguy cơ cao và các nguy cơ đe dọa quân sự sẽ gia tăng nếu Mỹ bố trí hệ thống tên lửa trên lãnh thổ các nước đồng minh.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, cáo buộc Nga vi phạm INF chỉ là cái cớ để Mỹ phát triển các hệ thống vũ khí mới nhằm đạt được ưu thế quân sự tuyệt đối trước mọi đối thủ và đây là một phần trong chiến lược của Mỹ về từ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Shamanov nêu rõ, bằng việc rút khỏi INF, Mỹ đã thể hiện ý đồ quân sự hóa vũ trụ, có thể trong 2 - 3 năm tới. Hãng thông tấn RIA dẫn lời Ngoại trưởng Nga Lavrov bình luận, quyết định rời khỏi INF của Washington đánh dấu "một kỷ nguyên mới đã bắt đầu", tuy nhiên, đây không phải là sự phát triển của một cuộc Chiến tranh Lạnh.

Ngày 5/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã giao nhiệm vụ cho các thuộc cấp về việc phát triển hai phiên bản phóng từ mặt đất cho tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa tấn công siêu vượt âm. Đây được cho là động thái đáp trả mạnh mẽ nhất của Nga sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF. Theo Shamanov, biện pháp của Nga đáp trả các hành động của phương Tây còn là tàu ngầm không người lái mang tên "Poseidon", có khả năng di chuyển ở độ sâu lớn và phạm vi liên lục địa, với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ của tàu ngầm, ngư lôi hiện đại nhất, cho phép đánh nhiều mục tiêu bao gồm nhóm tàu sân bay, công trình quân sự ven biển và cơ sở hạ tầng.

Theo Sputnik ngày 8/2, người đứng đầu Tập đoàn vũ trụ quốc gia Nga (Roscosmos) cho biết, đã hoàn thành lắp ráp động cơ RD-171MV đầu tiên cho tên lửa đẩy tầm trung có công suất siêu mạnh. Với loại động cơ này, Nga chứng minh lãnh thổ Mỹ, ít nhất là vùng Alaska, không an toàn như họ tưởng; cuộc chạy đua vũ trang với Nga sẽ chỉ mang lại một khu vực bất ổn và nguy hiểm. Nga đồng thời tỏ rõ thiện chí đàm phán cứu vớt hiệp ước, hoặc ký kết hiệp ước mới nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang...Trong khi đó, trong thông điệp liên bang ngày 5/2, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ chi nhiều tiền hơn Nga để phát triển tên lửa mà không cần đạt thỏa thuận quốc tế mới.

Châu Âu lo ngại về an ninh

Việc Mỹ rút khỏi INF gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh Châu Âu và vì thế châu lục này đã không khỏi choáng váng trước hành động của đồng minh thân thiết Mỹ, dấy lên viễn cảnh một cuộc chạy đua vũ trang mới tại đây. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố, đang lên kế hoạch chuẩn bị cho "một thế giới không có INF và các tên lửa của Nga ngày càng nhiều" và khẳng định, khối này không có ý định triển khai “các hệ thống vũ khí hạt nhân mới trên mặt đất ở Châu Âu". Các nước thành viên NATO đang ráo riết thảo luận những biện pháp có thể thực hiện nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước nguy cơ chạy đua vũ trang mới, mặc dù khẳng định họ sẽ không "phản chiếu" những hành động của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức tiết lộ, “một loạt các biện pháp” đang được xem xét, nhưng đã từ chối loại trừ khả năng triển khai các tên lửa hạt nhân.

Ba Lan từ lâu đã đề xuất Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trên lãnh thổ nước này bằng việc thiết lập một căn cứ thường trực, nhưng Washington từ chối vì lo ngại căng thẳng với Nga gia tăng. Hiện Mỹ đang có 4.000 binh sỹ đồn trú tại các căn cứ của Ba Lan trong khuôn khổ NATO. Với việc rút khỏi INF mới đây, Mỹ dường như đang cân nhắc mở căn cứ ở Ba Lan để chuẩn bị thiết lập các hệ thống tên lửa trên lãnh thổ quốc gia láng giềng với Nga này. Nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ đến Warsaw mới đây, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 20 hệ thống phóng rocket di động HIMARS của Mỹ cùng một số quân dụng với tổng trị giá 414 triệu USD. Moscow đã lên tiếng cáo buộc Mỹ đang triển khai tên lửa vi phạm hiệp ước dưới vỏ bọc phòng không ở các nước châu Âu, sát biên giới Nga.

Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Đức Merkel tại Hội nghị an ninh Munich đã bày tỏ hy vọng biến INF thành một thỏa thuận toàn cầu, có cả Trung Quốc tham gia - động thái nhằm cứu vãn INF khỏi nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thẳng thừng cự tuyệt: “Trung Quốc phát triển năng lực hoàn toàn phù hợp với nhu cầu quốc phòng và không hề đe dọa bất cứ ai. Chính vì vậy chúng tôi phản đối đa phương hóa INF”. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc chỉ trích lời kêu gọi mà bà Merkel đưa ra không phù hợp, không tôn trọng lợi ích cũng như mong muốn từ phía Bắc Kinh, khuyến khích Washington từ bỏ hiệp ước một cách vô trách nhiệm; nhiều quốc gia châu Âu chẳng hề biết rõ rủi ro an ninh lẫn tính cấp bách phải tăng cường phòng vệ ở những khu vực khác trên thế giới.

Dè chừng Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu lập luận, INF là thỏa hiệp giữa hai siêu cường có sức mạnh quân sự ngang nhau, còn thực lực của Trung Quốc, kể cả sức mạnh hạt nhân, hiện vẫn chưa thể sánh bằng Washington để đủ vị thế thương lượng một cách công bằng. Tờ báo cáo buộc châu Âu hiểu động thái rút khỏi hiệp ước là một phần trong chính sách “Nước Mỹ trên hết”, vậy mà bà Merkel vẫn lôi kéo Trung Quốc nhằm phục vụ cho lợi ích Mỹ, là một hành động ích kỷ.

Chỉ trích nhau, nhưng cả Washington và Moscow đều lo ngại chính hiệp ước song phương INF đã vô hình trung tạo cơ hội cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng. Hồi tháng 10/2018, Trump nói quyết định rút khỏi INF được củng cố bởi Mỹ cần phải đối phó với năng lực hạt nhân đang gia tăng của Trung Quốc.

Ngày 16/2, phát biểu tại Munich, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, có nguy cơ ngày càng lớn về việc Washington đang tìm cách "câu giờ" khi từ chối tham gia đối thoại về START, để Moscow và Washington sẽ thất bại trong việc kéo dài thỏa thuận này trước khi nó hết hạn - "kịch bản" gây nhiều lo ngại bởi sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga sẽ tăng lên.

Ngày 20/2, trong thông điệp liên bang, Người đứng đầu nước Nga không giấu diếm các vũ khí tiên tiến mà nước này đang phát triển và cảnh báo, Nga sẽ không có ý định triển khai tên lửa tới châu Âu, nhưng nếu Mỹ triển khai các tên lửa tới gần Nga, Moscow sẽ buộc phải đưa ra các phản ứng đáp trả. Trong trường hợp đó, mục tiêu nhắm đến sẽ không chỉ các vị trí có thể phóng tên lửa đe dọa nước Nga mà cả các đầu não đưa ra các quyết định liên quan tới các tên lửa đó. Moscow sẽ đáp trả thích đáng quyết định của Mỹ, nhưng tất cả những đề xuất Moscow đưa ra về giải giáp vũ khí vẫn còn “trên bàn” và “cánh cửa vẫn mở”.

Sự nổi lên của các cường quốc và kỹ thuật quân sự đã mở ra một kỷ nguyên mới về kiểm soát vũ khí với nhiều thách thức và nguy cơ hiện hữu. Thế giới sắp được kiểm nghiệm hậu quả nghiêm trọng của việc Mỹ rút khỏi INF - không chỉ làm xói mòn các nỗ lực chống phổ biến vũ khí, sự ổn định chiến lược, mà còn nhen nhóm chạy đua vũ trang toàn cầu... Trong bối cảnh quốc tế khi các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống xuất hiện này càng nhiều, việc Mỹ hủy bỏ hiệp ước đã tạo ra tiền lệ xấu, có thể khiến các nước khác "học" theo, và an ninh thế giới phải sẽ đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn, nguy cơ xung đột và rủi ro hơn.

CTV Lê Ngọc/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viễn cảnh thế giới sẽ ra sao khi không có Hiệp ước hạt nhân INF?