Theo dõi trên

Đào tạo vận động viên cơ sở: Được và chưa!

29/03/2016, 14:44

BT-Thể thao Việt Nam trong 70 năm qua đã có nhiều thành tựu, nổi bật là 2 tấm huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân môn teakwondo và Hoàng Anh Tuấn môn cử tạ tại Olympic Sydney 2000 và Olympic Bắc Kinh 2008, qua đó góp phần đưa thể thao đến gần với quần chúng, trở thành món ăn tinh thần, tạo điều kiện để nâng cao sức khỏe người dân. Cùng đồng hành thể thao Bình Thuận cũng đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là thể thao thành tích cao với các môn thế mạnh như võ thuật, đua thuyền, điền kinh… Một trong những yếu tố thúc đẩy thể thao thành tích cao phát triển đó là công tác phát hiện và đào tạo vận động viên cơ sở (ĐTVĐVCS) đã thực hiện trong nhiều năm qua.

                
      
Đào tạo VĐV cơ sở phải gắn liền với việc tổ    chức các giải thể thao phong trào để VĐV có cơ hội được trau dồi,    kiểm tra năng lực và học hỏi giữa các địa phương.

 Thành tích

Tiếp nối thành quả của 10 năm trước đó, giai đoạn 2011 – 2015, chương trình ĐTVĐVCS tổ chức đào tạo mỗi năm từ 540 đến 652 vận động viên (VĐV) trẻ tại các địa phương, trực thuộc 40 – 47 đội thuộc 11 môn thể thao: Bóng đá, bóng rổ, taekwondo, quyền anh, vovinam, karatedo, cầu lông, điền kinh, đua thuyền canoeing, bóng chuyền bãi biển, bơi lội. Từ nguồn VĐV có triển vọng sẽ được đôn lên tuyến trẻ của trường năng khiếu và nghiệp vụ TDTT tỉnh và được cọ xát, thi đấu tại hệ thống các giải đấu thiếu niên – nhi đồng, giải trẻ quốc gia. Kết quả đạt được trong giai đoạn 2011 – 2015 tổng cộng 19 HCV, 36 HCB và 89 HCĐ. Ngược lại, các VĐV thuộc các địa phương sẽ được ưu tiên thi đấu cho quê nhà nếu địa phương đó cần. “Đây là lợi ích kép mà cả địa phương và tuyến tỉnh đều đạt được, qua đó góp phần tuyển chọn và đầu tư có chiều sâu vào các VĐV ở những môn thể thao thế mạnh, phù hợp với năng lực, thể hình”, ông Huỳnh Văn Xi – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tánh Linh khẳng định.

Đó là kết quả nổi bật nhất của chương trình ĐTVĐVCS, nhưng cũng còn hạn chế, trong đó nổi lên công tác tổ chức các giải đấu thể thao phong trào.

Các VĐV tập trung nhiều ở các lứa tuổi 10, 11, 12, cường độ tập luyện từ 2 – 3 buổi/tuần, tách biệt hoàn toàn với các tiết giáo dục thể chất trên trường học và phải mượn các cơ sở vật chất thể thao địa phương. Điều này tạo ra sự khó khăn trong cách thức phân bổ thời gian luyện tập của học sinh năng khiếu. Nhiều phụ huynh cũng không đồng tình về việc này vì các em phải tập luyện trong những ngày thứ bảy và chủ nhật, trong khi đó đáng lẽ là thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, điều kiện học tập và tâm lý.

 Hạn chế

Nhưng hạn chế nhất là chương trình chưa nhận được sự lan tỏa của cộng đồng dân cư do thiếu các sự kiện thể thao phong trào kèm theo chương trình. Nhiều địa phương có tuyến đào tạo môn bóng đá nhưng cả năm chỉ tham gia một, hai giải đấu phong trào cấp tỉnh còn giải đấu địa phương thì gần như không có. Điều này cũng tương tự ở các môn bóng rổ, vovinam, karatedo, cầu lông, bóng chuyền bãi biển… Chính việc này đã làm cho VĐV ít được trau dồi chuyên môn, ít cọ xát thi đấu để kiểm tra trình độ và học hỏi đối thủ, từ đó dẫn tới việc nhiều VĐV không có mục tiêu phấn đấu, dễ chán nản. Đây cũng là một trong những lý do khiến gia đình các VĐV cơ sở không mặn mà với chương trình, từ đó có các quyết định bỏ sự nghiệp thể thao của con em mình.

Ở góc nhìn rộng hơn, việc không tổ chức nhiều giải thi đấu giữa các địa phương, các lứa tuổi thuộc các môn thể thao đào tạo tại cơ sở cũng sẽ không tạo ra khí thế tập luyện thể thao sôi nổi trong cộng đồng cư dân. “Con cái họ tập luyện và thi đấu nhiều sẽ giúp các gia đình thêm yêu thể thao, tin tưởng về sự trưởng thành của con, từ đó các gia đình cũng sẽ tập luyện thể thao. Một nhà tập luyện có thể thúc đẩy cả xóm cùng chơi, rồi đến cả thôn, cả khu phố…”, một huấn luyện viên của chương trình ĐTVĐVCS chia sẻ.

 Định hướng

Những tâm tư này đã được các huấn luyện viên, hướng dẫn viên tham gia chương trình thẳng thắn bộc lộ bên trong và ngoài hội nghị, từ đó Sở VHTT&DL cũng như Ban chủ nhiệm chương trình có những cái nhìn sắc nét hơn về ĐTVĐVCS. Ông Nguyễn Thành Tâm – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu các ý kiến và chỉ đạo: để chương trình ĐTVĐVCS tiếp tục phát huy vai trò tìm kiếm và đào tạo VĐV chất lượng cao cho tỉnh, Ban chủ nhiệm chương trình cần phải có sự rà soát, đánh giá và chỉnh lý theo từng năm. Chủ nhiệm chương trình phải tính toán đến hệ thống thi đấu của các môn thế mạnh của các địa phương. Ví dụ như võ thuật ở Tánh Linh, Đức Linh; điền kinh ở Tuy Phong, Hàm Thuận Nam; đua thuyền ở Phan Thiết; bóng đá ở La Gi… để thúc đẩy phong trào thể thao tại địa phương. Cùng với việc nâng cao và chuẩn hóa trình độ huấn luyện viên, hướng dẫn viên thể thao, 12 môn thể thao (bổ sung môn Judo) được chương trình ĐTVĐVCS lựa chọn cũng phải tính toán đến các phương án huy động xã hội hóa vào thể thao… trong giai đoạn 2016 – 2020 sắp tới.   

 ĐÌNH HẬU



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo vận động viên cơ sở: Được và chưa!