Theo dõi trên

Đi bộ 10.000 bước, giảm nguy cơ mắc bệnh

21/03/2019, 09:09 - Lượt đọc: 22

BT- Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường đang ở mức báo động, được xem là “kẻ giết người thầm lặng”. Nhiều người mắc bệnh nhưng không biết mình đang mắc bệnh, bởi không có dấu hiệu cảnh báo trước.

Số lượng tăng, trẻ hóa

Toàn tỉnh có 75.000 người mắc các bệnh không lây nhiễm (KLN) gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp (THA), cường giáp, suy giáp, viêm giáp… từ năm 2017 đến nay.  Đáng chú ý, bệnh THA và đái tháo đường có tỷ lệ mắc cao.  Cụ thể, 740 người đang mắc bệnh đái tháo đường, 2.468 người đang mắc bệnh tiền đái tháo đường. Người mắc bệnh này đang ngày càng trẻ hóa; trước đây người bệnh mắc ở tuổi 40 nay thì  mắc ở tuổi 30. Đáng lo ngại là 65% bệnh đái tháo đường chưa được phát hiện. Nếu phát hiện muộn hoặc kiểm soát đường huyết không tốt sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy thận, mù lòa… nặng hơn là tàn phế và tử vong.

Theo tiểu dự án phòng chống bệnh tim mạch, 41 xã, phường tham gia khám sàng lọc đã phát hiện 3.500 người mắc bệnh THA; tỷ lệ mắc chiếm 27%. Trong đó, 3.000/3.500 người mắc bệnh được quản lý và điều trị THA. Số còn lại chưa quản lý được là do bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, tự mua thuốc ở ngoài và không đến trạm kiểm tra huyết áp thường xuyên. Một số người không tiếp tục tham gia điều trị, khi thấy huyết áp ổn định; một số có thẻ bảo hiểm y tế thì khám và điều trị thông tuyến tại các bệnh viện huyện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Trưởng khoa phòng chống bệnh không lây nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đang đối mặt với gánh nặng, số người mắc bệnh được phát hiện trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Ước tính cứ 10 ca tử vong thì có 7 trường hợp do bệnh KLN. Trong đó, tỷ lệ người lớn mắc bệnh THA, đái tháo đường đang ở mức báo động, được xem là “kẻ giết người thầm lặng”. Nhiều người mắc bệnh nhưng không biết mình đang mắc bệnh, bởi không có dấu hiệu cảnh báo trước.  

Lười vận động

Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị mỗi người tăng cường vận động, tập thể dục, đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày. Trong khi đó, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, người làm văn phòng chỉ 600 bước. Ước tính, khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực dẫn đến thể lực của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức thấp so với chuẩn. Nếu mỗi người siêng tập thể dục, vận động tốt, thì sẽ cải thiện tình hình sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều căn bệnh khác nhau. Đó là nhận định của Viện Dinh dưỡng.

Theo bác sĩ Diệp, để kiểm soát sự gia tăng bệnh THA, sau khi khám sàng lọc, số bệnh nhân mắc bệnh sẽ được tư vấn chế độ ăn uống, lao động, rèn luyện, đồng thời được khám, cấp thuốc nhằm kiểm soát chỉ số huyết áp. Điều trị đạt hiệu quả cao, bệnh nhân phải uống thuốc và thực hiện sinh hoạt, ăn uống theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Bệnh đái tháo đường có thể dự phòng bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động. Người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường nên vận động, tập thể lực 150 phút/tuần (chia 5 – 7 ngày), giảm 7% cân nặng của cơ thể và giảm 30 – 60% nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường.

 Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi bộ 10.000 bước, giảm nguy cơ mắc bệnh