Theo dõi trên

Năm Đinh Dậu nói chuyện võ gà: Tản mạn Kê quyền

13/01/2017, 09:07

BT- Trong tinh hoa võ thuật phương Đông, những bài quyền và đòn thế linh hoạt, đẹp mắt lẫn hiệu quả phần lớn đều bắt chước động thái của muôn loài và muôn thú. Từ uyển chuyển mềm mại như Bạch Hạc, hùng dũng, mãnh liệt của Hổ quyền hay Long trảo, nhu mềm như Xà quyền, hoặc Bọ Ngựa, ngoài ra còn có Hầu quyền linh hoạt...   Song tất cả đều có xuất phát từ các môn phái lừng danh trong thiên hạ như Thiếu Lâm, Võ Đang... và đều do người Trung Hoa sáng chế. Đặc biệt ở Việt Nam, các môn phái Võ Cổ truyền, môn phái Tây Sơn Bình Định cũng có những đòn thế gia truyền bắt chước các loài thú, nhưng có lẽ bài “Hùng Kê quyền” là mang đầy đủ tinh hoa và trí tuệ của con người Việt Nam.

                              
Lão võ sư Ngô Bông với bài Hùng Kê quyền.
   
Võ sư Nguyễn Minh Đạo với Hùng Kê quyền.

“Hùng Kê quyền” hay còn gọi là Võ gà, bắt chước các đòn thế phòng thủ và tấn công của con gà, nhưng không mang tính thô thiển như đòn “Kim kê áp noãn” và những đòn thế khác của võ công phương Bắc. Nó dựa vào tính chất của con gà ví như biểu tượng của cái mào gà là mũ của quan văn, tính dũng cảm của quan võ, hay gọi chia mồi là lòng nhân, gáy đúng giờ là tín, đặc biệt là phù hợp với vóc dáng của con người Việt Nam.

Con gà theo Wikipedia, về nghệ thuật trong văn hóa, đặc biệt với nét tranh làng Hồ, hình ảnh con gà là những nét chấm phá về một làng quê Việt Nam an bình, với những triết lý sống nhân bản, thiên nhiên. Cũng trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng, với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng, ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh. Gà trống còn là vật cúng tế cổ truyền. Do vậy, tương truyền Đông Định Vương Nguyễn Lữ, khi quan sát con gà và sáng chế ra bài quyền Hùng Kê đã dựa vào các tính chất và đặc điểm trên của loài gà để vừa phổ biến cho nghĩa quân Tây Sơn phòng vệ và chiến đấu, vừa để giáo dục tinh thần võ đạo cho nghĩa quân.

Bài “Hùng Kê quyền” gắn với lời thiệu nguyên văn là bài thơ thất ngôn, bát cú chữ Hán như sau: “Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng/ Song túc tề phi trảo thượng xung/ Trấn ải kim thương như Bạch Hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long/ Xuyên cung độc triểu tăng ư trác/ Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung/ Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ/ Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung”.

Việt Hà dịch thành thơ:

Hai con gà chọi nhau để tranh hùng

Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên

Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng

Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh

Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)

Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch

Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho

Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này.

Cũng theo lão võ sư Ngô Bông, truyền nhân, người phát huy quang đại môn võ Hùng Kê quyền  đã nói về những điểm tinh túy của bài Hùng Kê quyền: “Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Cái thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của thủy (nước) để đánh đối phương. Mà... nước mà chảy là mạnh lắm và không thể nào tránh né cho khỏi. Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cũng vậy. Nó đánh vây tứ bề, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp”.

Cái căn bản của môn võ... gà này là người thấp bé, nhỏ con nhưng biết dùng đòn thế nhanh lẹ, dứt khoát, biến ảo vi diệu thì dễ dàng đánh thắng đối thủ to lớn hơn mình. Nhất là phần công sử dụng ngón tay trỏ (Nhất dương chỉ) đánh và điểm vào các huyệt đạo hay chỗ hiểm của đối phương, lúc cương, lúc nhu khi như ngọn thương vàng của con cọp trắng, khi là mũi kiếm bạc của con rồng xanh uy mãnh vô song. Võ gà nhưng không như... con gà chết như người đời vẫn thương châm biếm kẻ yếu ớt, nhu nhược.

Chính nhờ vào môn võ Hùng Kê quyền của Nguyễn Lữ và Yến Phi quyền của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ mà binh lính Tây Sơn đã làm nên những kỳ tích oai hùng, đánh tan quân Thanh và cả quân Xiêm xâm lược, góp phần làm nên kỳ tích và xuất xứ của môn võ Bình Định mà người Việt quen gọi là “Võ ta”, được cả nước ca tụng và hâm mộ.

Năm con gà, tản mạn đôi chút về môn Võ gà, âu cũng mua vui được... một trống canh trước thềm xuân mới.

Chính Vũ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm Đinh Dậu nói chuyện võ gà: Tản mạn Kê quyền