Theo dõi trên

Xây dựng thương hiệu thể thao biển thành thế mạnh

24/10/2016, 08:17

BT- Chiều 22/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm về xây dựng thương hiệu du lịch thể thao biển Bình Thuận. Tham dự có gần 70 đại biểu đại diện cho các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch và đại diện ngành du lịch các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Sau 21 năm hình thành và phát triển, du lịch Bình Thuận đã thật sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và tạo sự tin tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Bình quân hằng năm lượng khách đến Bình Thuận tăng từ 12- 14%, doanh thu tăng từ 19 - 20%. Năm 2015, GRDP du lịch chiếm 7,62% GRDP của cả tỉnh. Bên cạnh các loại hình thế mạnh về du lịch biển, Bình Thuận còn phát triển đa dạng các loại hình du lịch tín ngưỡng, du lịch sinh thái khám phá rừng…

Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bình Thuận hướng đến trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển quốc gia trên cơ sở hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao biển gắn với du lịch sinh thái rừng, trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp… Tuy nhiên, trong thời gian qua Bình Thuận vẫn chưa định hình được một sự kiện, lễ hội đặc trưng để quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch thể thao biển. Vì vậy bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ thì việc tổ chức sự kiện quy mô, tầm cỡ gắn với phát triển và quảng bá thương hiệu du lịch, nhất là thể thao biển đang là vấn đề cấp thiết của ngành du lịch địa phương.

Bình Thuận đã cố gắng tổ chức nhiều sự kiện gắn với tiềm năng du lịch thế mạnh như lễ hội thuyền buồm quốc tế, lễ hội khinh khí cầu, hoa hậu đại dương… Tuy nhiên các sự kiện này không được duy trì thường xuyên và tạo sức ảnh hưởng để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Các sự kiện còn tổ chức riêng lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; chủ yếu khai thác trên các sự kiện truyền thống có sẵn của địa phương, đội ngũ nhân lực tổ chức sự kiện thiếu tính chuyên nghiệp và bền vững… là những tồn tại, hạn chế của ngành du lịch được các đại biểu nhìn nhận tại buổi tọa đàm. Đồng thời tại đây, các đại biểu đã hiến kế và đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp Bình Thuận xây dựng một sự kiện, lễ hội phát triển được thương hiệu du lịch thể thao biển.

Ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu quốc tế cho rằng: Thay vì tổ chức các sự kiện quá sức, Bình Thuận nên tổ chức các sự kiện vừa tầm nhưng duy trì thường xuyên và liên tục để từ đó phát triển thành sản phẩm đặc trưng của mình. Bình Thuận cần có một tư duy đột phá, cởi mở và chuyên nghiệp hơn. Còn theo ông Trần Hùng Việt, Công ty du lịch Sài Gòn: Các sự kiện văn hóa, văn nghệ cần phối hợp chặt chẽ với các sự kiện thể thao, du lịch nhằm tạo chuỗi sản phẩm sự kiện đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Đồng thời, du lịch Bình Thuận cần khai thác chiến lược liên kết du lịch với các địa phương, nhất là tuyến Lâm Đồng - Bình Thuận - Ninh Thuận… để từ đó tạo ra sự kiện, lễ hội mang tính liên kết, thu hút du khách theo tour, tuyến. Ngoài ra, các đại biểu cho rằng việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và dịch vụ du lịch cần gắn đẩy mạnh truyền thông các sự kiện… cũng là những giải pháp nhằm tạo dấu ấn, lan tỏa thương hiệu du lịch thể thao biển Bình Thuận. 

NGÔĐÌNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng thương hiệu thể thao biển thành thế mạnh