Theo dõi trên

Xã Sông Bình: Nguy hiểm từ cây cầu tạm đã hơn 30 năm

09/01/2017, 16:26

BTO- Chỉ bằng những cây tre, thanh gỗ, miếng tôn người dân trong tổ 5 và 6 thôn Đá Trắng, xã Sông Bình, huyện Bắc Bình đã “tự chế” cho mình cây cầu để đi lại. Qua thời gian cây cầu đã hư hỏng nặng nhưng hàng ngày người dân và các em học sinh vẫn phải qua lại bất chấp hiểm nguy luôn rình rập. Hơn lúc nào hết người dân nơi đây đang rất cần một cây cầu kiên cố để thuận tiện cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn trên vùng đất khó này.

Hơn 50 hộ dân tổ 5 và tổ 6 của thôn Đá Trắng, xã Sông Bình, huyện Bắc Bình đã sinh sống ở đây hơn 30 năm. Mặc dù, đã định cư với thời gian dài  nhưng những hộ dân này vẫn phải sống trong tình trạng: không điện, không nước sinh hoạt và không đường. Để đến được trung tâm của xã Sông Bình, người dân tại 2 tổ này phải đi qua con suối có cây cầu tạm bắc ngang qua. Vào mùa mưa, lũ đổ về nước suối dâng cao, hơn 50 hộ dân trên bị cô lập hoàn toàn. Anh Phạm Phước Tường thôn Đá Trắng, xã Sông Bình, huyện Bắc Bình cho biết “Cứ mỗi mùa mưa đến, người dân chúng tôi lại bị cô lập vì không thể sang bên kia sông được do nước lũ lớn”. Anh Tường cũng chia sẻ thêm “Hằng năm, đến mùa khô bà con tổ 5, tổ 6 chúng tôi đã góp công, góp nguyên vật liệu để sửa sang lại cây cầu. Tuy nhiên với những vật liệu thô sơ là cây tre, cây gỗ, miếng tôn bắc tạm để lấy đường lưu thông thì không thể đảm bảo được an toàn. Đã có không ít trường hợp bị rơi xuống sông gây nguy hiểm đến tính mạng”

Giao thông không thuận tiện dẫn đến cuộc sống của người dân ngày càng gặp nhiều khó khăn và bất tiện đủ đường. Theo đó, hơn 30 em học sinh không thể đến trường khi có nước lũ về. Em Nguyễn Thị Nhi, Trường THCS Sông Bình cho biết: “chỉ có 7 cây số thôi là em có thể đến được trường nhưng nhiều hôm vì mưa lũ em đành nghỉ học vì không thể qua suối. Em chỉ mong được đến trường hằng ngày để thuận tiện trong việc tiếp thu bài.”

Ngoài chuyện học hành của trẻ nhỏ, chuyện đi lại của người dân nơi đây thì việc sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân tổ 5 và 6 cũng gặp không ít gian truân. “Mỗi vụ mùa bắp, mì, trái cây… việc vận chuyển phân bón qua sông đã khó khăn, thì việc thu hoạch và mua bán sản phẩm nông sản mình làm ra lại càng gian nan bội lần. Những lúc này, bà con trong 2 tổ thường bị thương lái ép giá, thấp hơn so với thị trường từ 15 – 20%”. Anh Sển Cẩm Rậu, thôn Đá Trắng, xã Sông Bình, huyện Bắc Bình cho biết.

Theo ông Lê Trường Long – Phó Chủ tịch UBND xã Sông Bình, huyện Bắc Bình: cây cầu tạm này đã có hơn 30 năm. Chính quyền địa phương cũng đã vận động người dân đóng góp tiền của, công sức để sửa chữa nhiều lần. Tuy nhiên, vào mỗi mùa mưa, hay khi kênh Châu Tá và 812 xả nước thì cây cầu lại bị ngập và thêm phần hư hỏng. Trước những khó khăn và nguy hiểm mà người dân tại tổ 5 và 6 của thôn Đá Trắng gặp phải, chính quyền địa phương đã kiến nghị với UBND huyện. Được biết, UBND huyện đồng ý ghi vốn cho công trình này vào năm 2017.

Ngọc Diệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xã Sông Bình: Nguy hiểm từ cây cầu tạm đã hơn 30 năm