Bứt phá từ 3 trụ cột
Bứt phá từ 3 trụ cột
BT-
Tạo động lực phát triển cho
giai đoạn sắp tới, Bình Thuận xác định vẫn sẽ vươn lên từ một số trụ cột chính
để tiếp tục khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của vùng đất duyên hải Nam Trung
bộ. Đó chính là du lịch, công nghiệp chế biến, sản xuất, chế tạo và nông nghiệp
công nghệ cao gắn với các sản phẩm lợi thế của địa phương…
Xác định hướng đi
Trong 3 trụ cột chính, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của
địa phương và đã trải qua chặng đường 25 năm hình thành, phát triển với những
thành tựu đáng ghi nhận. Bình Thuận cũng được định hướng trở thành Trung tâm du
lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, còn mới đây cấp thẩm quyền chính thức
công nhận Mũi Né là Khu du lịch cấp quốc gia… Thời gian qua, tỉnh ưu tiên kêu
gọi đầu tư dự án nghỉ dưỡng và khu vui chơi - giải trí cao cấp từ những nhà đầu
tư chiến lược, phát triển thương hiệu “Hàm Tiến - Mũi Né” là điểm đến ưa chuộng
của đông đảo du khách quốc tế.

Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận.
Với bờ biển dài 192 km, Bình Thuận không những có lợi thế
phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp mà còn tận dụng tiềm năng nắng - gió để
thu hút hàng loạt dự án sản xuất năng lượng tái tạo. Hơn nữa, Bình Thuận cũng
được quy hoạch là Trung tâm năng lượng quốc gia với tổng công suất trên 12.000
MW vào năm 2020 từ các nguồn sản xuất điện. Tuy nhiên địa phương vẫn định hướng
mở rộng, phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngoài khơi
và kêu gọi sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng: Pin mặt trời, chế tạo cơ khí,
sản xuất thiết bị điện…
Một lợi thế không nhỏ mà Bình Thuận đang sở hữu là một trong
những ngư trường trọng điểm của cả nước, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá
lớn (hơn 360.000 ha) và hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu nối mạng rộng khắp.
Vì vậy, tỉnh có điều kiện tập trung khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị của
các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường như thanh long, cây dược liệu,
giống thủy sản… Thế nên trên lĩnh vực này, địa phương sẽ tiếp tục mời gọi những
dự án nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại và xây dựng chuỗi giá
trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế mang lại giá trị
kinh tế cao.
Kết nối tiềm lực
Liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có nguồn tài
nguyên đa dạng, thế nên địa phương đang hướng đến khai thác hiệu quả hơn những
tiềm năng, đưa nền kinh tế vươn lên xứng tầm. Để tạo cơ hội mới để bứt phá trong
thời gian tới, gần đây Bình Thuận còn chủ động tổ chức thành công các Hội nghị
Xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Thông qua đó đẩy mạnh quảng bá thế mạnh đặc trưng
nhằm mời gọi cũng như khai thông nguồn lực từ các nhà đầu tư trong lẫn ngoài
nước, góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Sản xuất tôm giống chất lượng cao là lĩnh vực có lợi thế tại địa phương.
Thực tế cho thấy, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2017 đã
tác động tích cực đến hình ảnh của địa phương, qua đó mở rộng hợp tác đối ngoại,
thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Theo thống kê sau hội nghị này,
UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 264 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 53.000 tỷ
đồng và các nhà đầu tư đóng góp vào ngân sách gần 760 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực
công nghiệp chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất (75%), kế đến là du lịch - dịch
vụ du lịch (12%), khu dân cư - đô thị (7%), nông nghiệp (3%)…
Còn trong năm vừa qua, địa phương tiếp tục tổ chức thành công
Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019 nhưng có sự thay đổi căn bản về chiến
lược và tầm nhìn với chủ đề “Kết nối tiềm lực - Phát triển bền vững”. Dù vậy vẫn
tập trung kêu gọi đầu tư vào 3 trụ cột chính: Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí
cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư - Công nghiệp chế biến, chế tạo,
năng lượng tái tạo - Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu...
Kết quả đem lại cho địa phương những tín hiệu tích cực, đó là đón dòng vốn kỷ
lục khi UBND tỉnh trao Quyết định chủ trương đầu tư cho nhiều dự án với tổng vốn
hơn 23.000 tỷ đồng, ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký cho 14 dự án với tổng vốn đầu
tư lên đến 19 tỷ USD và gần 30.700 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực.
Qua sự kiện này, Bình Thuận cũng muốn gởi thông điệp tới các
nhà đầu tư về môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng
hành để cộng đồng doanh nghiệp thành công tại điểm đến đầu tư lý tưởng, hấp dẫn,
an toàn.
Phát huy hiệu quả
Qua tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến đầu tư, Bình Thuận
đã thu hút một số dự án du lịch quy mô lớn đăng ký triển khai thực hiện tại khu
vực Hòa Thắng - Hòa Phú, hai bên đường ĐT.706B và nhiều dự án sản xuất năng
lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Để phát huy hiệu quả, trong 5 năm tới
tỉnh tập trung huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực mà trọng tâm vẫn là phát
triển 3 trụ cột chính: Công nghiệp (năng lượng, chế biến); Du lịch - thể thao
biển, Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tới đây, địa phương sẽ khai thác tiềm năng về năng lượng tốt
hơn, đưa sản xuất - phân phối điện tăng trưởng cao và là động lực chính thúc đẩy
ngành công nghiệp vươn lên. Đồng thời tiếp tục thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành
Công Thương, đề án Trung tâm năng lượng theo hướng đưa công nghiệp năng lượng và
chế biến trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Song song đó còn tập
trung phát triển đa dạng loại hình du lịch biển, thể thao biển, giải trí, nghỉ
dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với giữ vững hình ảnh du lịch “An toàn - thân thiện
- chất lượng”, hướng tới trở thành điểm đến hàng đầu khu vực. Ở lĩnh vực nông
nghiệp thì khuyến khích sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, liên
kết sản xuất theo chuỗi cũng như phát triển toàn diện khai thác, nuôi trồng thủy
sản gắn với chế biến tạo giá trị gia tăng cao…
Từ những kết quả đạt được cùng với hạ tầng giao thông đối
ngoại đang được cải thiện, hoạt động sản xuất - kinh doanh dần phục hồi sau đại
dịch Covid-19, hy vọng Bình Thuận bứt phá vươn lên mạnh mẽ, năng động và hiệu
quả hơn từ 3 trụ cột nêu trên.
Đ.Quốc