Kỳ diệu trong lòng núi ông
Kỳ diệu trong lòng núi ông
BT-
Tánh Linh như một lòng chảo khổng lồ, bốn bề là núi cao, núi thấp trùng điệp.
Dưới chân núi dòng sông La Ngà uốn lượn. Từ trung tâm huyện lỵ nhìn về hướng
đông là ngọn núi cao hùng vĩ. Đó chính là núi Ông ở cuối nam dãy Trường Sơn, có
chiều dài hơn 15 cây số và nơi cao nhất khoảng 1.300m so với mặt biển. Điều kỳ
diệu là hệ sinh thái nơi đây vô cùng đa dạng và phong phú với hơn 1.070 loài
thực vật và 247 loài động vật, nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong
sách đỏ. Không những thế, rừng núi Ông là nơi cung cấp nước ngọt dồi dào cho hệ
thống sông, suối như: Sông Cát, sông Dinh, sông Phan, sông Mường Mán, sông La
Ngà… Dưới chân núi khu vực xã Đức Bình còn có dòng nước nóng quanh năm. Chính vì
thế, những năm hạn hán kéo dài, gay gắt nhất bao giếng khoan, giếng đào cạn rặc
nước thì người dân lại kéo ống nhựa lên núi đưa nước suối rừng về sử dụng sinh
hoạt và tưới cho cây trồng. Dường như nước ở đây không đơn giản chảy, rỉ từ đỉnh
núi, được chắt lọc từ những cơn mưa thượng nguồn mà nước trong vắt còn được chắt
lọc qua nhiều tầng lá mục của thời gian, nhiều lớp đá xanh cứng. Nguồn nước núi
Ông đã tạo nên những ngọn thác tuyệt đẹp như: Thác Mai, thác
bà kỳ bí mang vẻ đẹp hiền hòa của
thiên nhiên. Dòng thác như dải lụa mềm ẩn hiện giữa bao la rừng cây cổ thụ xanh
thẳm. Thác Bà có 9 tầng, mỗi tầng cao từ 15 - 20m; mỗi tầng thác đổ xuống đều có
hồ nước bên dưới trong vắt, tung bọt trắng xóa. Song, ít ai leo đủ 9 tầng thác
mà du khách đến đây chỉ tham quan 3 tầng thác đầu tiên gọi là thác 1, thác 2 và
thác 3 ở độ cao 75m. Đẹp nhất là cột thác cao 15m, đứng từ chân thác nhìn lên
trời trong xanh, nước trắng xóa ai cũng ngỡ nước từ “cổng trời” tuôn trào. Bên
dưới là hồ nước khá rộng, giữa hồ “mọc lên” tảng đá lớn hình bầu dục trông như
“đảo đá”. Du khách tắm hồ thường lên “đảo đá” ngồi thả chân xuống nước trong
xanh vẫy vùng, thư giãn. Những ngày xuân người dân địa phương và du khách đến
thác Bà ngắm cảnh, vui chơi, cắm trại, sinh hoạt cộng đồng. Với tiềm năng và lợi
thế về vị trí, văn hóa, lịch sử cách mạng nên từ lâu huyện Tánh Linh đã hoạch
định khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở khu rừng thác Bà, nhằm
tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng như: Du lịch nghỉ dưỡng, tham quan thác,
các trò chơi trên thác, đạp xe địa hình, du lịch mạo hiểm, câu cá, vui chơi giải
trí dưới tán rừng già, dã ngoại, nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh và tìm
hiểu bản sắc văn hóa dân tộc hay tổ chức du lịch về nguồn để tìm hiểu lịch sử
cách mạng rừng núi Ông.

Từ xưa đến nay người dân Tánh Linh vẫn sinh cơ lập nghiệp quanh lòng chảo núi
Ông - Biển Lạc - sông La Ngà. Núi Ông cao vút với rừng cây cổ thụ thẳng đứng
hàng trăm năm tuổi; những cây mai tết nở hoa trên ghềnh đá. Ngoài những thác lớn
thì trong lòng núi Ông còn có hàng trăm con suối nhỏ nước đổ về cánh đồng lúa
bạt ngàn trong lòng chảo. Vì thế, từ lâu người dân nơi đây gọi núi Ông là “kỳ
quan thiên nhiên”. Càng khám phá sâu trong lòng núi Ông ta càng thấy nhiều điều
kỳ diệu của thiên nhiên, trong đó tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở núi
Ông, thác Bà rất lớn. Tạm biệt cánh rừng núi Ông diệu kỳ, theo quốc lộ 55 trở về
xuôi, trong tâm trí tôi mãi nhớ câu thơ những đứa trẻ sống ven chân núi Ông
thường đọc: Thác Bà, Biển Lạc, núi Ông/ đã đi đến đó, lòng không muốn về.
Lê Thanh