Kỷ niệm 25 năm Ngày Du lịch Bình
Kỷ niệm 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2020): Ghi dấu bước
trưởng thành
BT- Trong tháng này nhiều hoạt động
thiết thực, có chọn lọc được địa phương tổ chức hướng đến chào mừng kỷ niệm Ngày
Du lịch Bình Thuận sau 25 năm hội nhập và phát triển (24/10/1995 - 24/10/2020).
Qua đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của ngành trong phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh nhà và là cơ hội quảng bá điểm đến Bình Thuận “An toàn - thân thiện
- hấp dẫn”, góp phần kích cầu du lịch nội địa…
Xác định là sự kiện quan trọng trong
năm của ngành, các tiểu ban giúp việc Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm
Ngày Du lịch Bình Thuận cũng được thành lập và sớm triển khai nhiệm vụ liên
quan. Bởi ngoài một số hoạt động phụ trợ (thể thao, biểu diễn nghệ thuật, lễ
hội) sôi nổi, dịp kỷ niệm ngành du lịch Bình Thuận tròn 25 tuổi còn được địa
phương phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo về mô hình quản
lý Khu du lịch quốc gia tại TP. Phan Thiết.

Ở tuổi 25, du lịch Bình Thuận hướng đến chặng đường mới với kỳ
vọng trở thành điểm đến hàng đầu khu vực. Ảnh minh họa
Đặc biệt, lễ công bố và trao quyết
định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận Khu du lịch
quốc gia Mũi Né sẽ diễn ra vào đêm 23/10 tại Pandanus Resort. Đây có thể xem là
sự kiện ghi dấu bước trưởng thành của điểm đến “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng đã tập
trung đánh thức, khai thác hiệu quả tiềm năng sau 25 năm hình thành và phát
triển… Thực tế cho thấy, du lịch Bình Thuận vươn lên từ vùng biển cực Nam Trung
bộ với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì thì nay đã được
mệnh danh “thủ đô resort”. Cũng trong suốt thời gian qua cho đến trước khi dịch
Covid-19 bất ngờ bùng phát, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành là đón lượng khách và
doanh thu từ du khách luôn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng ở 2 con số.
Tính đến nay, trên địa bàn Bình
Thuận có gần 580 cơ sở lưu trú đi vào hoạt động kinh doanh với tổng số hơn
16.330 phòng, trong đó đã xếp hạng sao cho 91 cơ sở với 5.824 phòng. Tuy nhiên
phần lớn cơ sở lưu trú đang hoạt động chủ yếu trên địa bàn TP. Phan Thiết, do
vậy lượng khách đến Bình Thuận nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cũng tập trung đông
tại địa bàn này… Thế nên việc Bình Thuận được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch
tổng thể phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chính thức công nhận
Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ thêm cơ hội cho địa phương mở rộng thu hút đầu
tư, hấp dẫn du khách.
Với sự trưởng thành ở tuổi 25 cũng
như từng kinh qua xử lý hiệu quả những tác động tiêu cực liên quan lĩnh vực này,
du lịch Bình Thuận tự tin hướng đến chặng đường mới ở trạng thái bình thường
mới… Nhất là sau lễ đón nhận quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né,
địa phương sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư và sẵn sàng khởi động
những dự án quy mô mang tính “điểm nhấn”. Song song đó còn chú trọng nâng cao
chất lượng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường du lịch an ninh,
an toàn, sạch đẹp, thân thiện và phát triển bền vững.
Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp
triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện quy hoạch phát
triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né và quy hoạch phát triển điểm du lịch Phú Quý.
Đồng thời nỗ lực phát huy hiệu quả chương trình liên kết phát triển tam giác du
lịch giữa 3 địa phương, gồm: TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận; tham gia
chương trình kích cầu du lịch giữa Bình Thuận và 6 tỉnh miền Đông Nam bộ (Bà Rịa
- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh) với tên
gọi “7 địa phương - Du lịch an toàn và hấp dẫn”. Thông qua tăng cường liên kết
phát triển du lịch, Bình Thuận sẽ tiếp tục đa dạng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh
nhằm thu hút khách cũng như góp phần phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid - 19…
Đ.Quốc