Tác động của dịch Covid - 19 đến
Tác động của dịch Covid - 19
đến du lịch:
Quy mô càng lớn, thiệt hại càng cao…
BT- Với tình hình dịch Covid
- 19 bất ngờ bùng phát và diễn biến phức tạp trong thời gian qua, ngành du lịch
cả nước cũng như trên địa bàn Bình Thuận đã gánh chịu những thiệt hại nặng nề.
Báo cáo nhanh của Hiệp hội Du lịch tỉnh vào trung tuần tháng 1/2021 cho thấy,
các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú tại địa phương có quy mô càng lớn thì chịu
tác động từ đại dịch càng cao.
Theo đó qua khảo sát 47 doanh
nghiệp thành viên Hiệp hội Du lịch Bình Thuận (gồm 39 cơ sở lưu trú, còn lại là
công ty lữ hành, nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ…) thì tất cả đều chịu tác
động tiêu cực của dịch Covid - 19. Cụ thể: Lĩnh vực dịch vụ lưu trú giảm 96%, lữ
hành nội địa giảm 90% và lữ hành quốc tế giảm 100%, vận chuyển giảm 40 - 60%, ăn
uống giảm 40 - 50%, dịch vụ giảm từ 15 - 40%. Đối với doanh nghiệp cơ sở lưu trú
tiêu chuẩn 5 sao thiệt hại trong năm 2020 vừa qua khoảng 100 tỷ đồng, cơ sở tiêu
chuẩn 4 sao ước thiệt hại 21,5 - 46 tỷ đồng, còn cơ sở đạt chuẩn 3 sao là 14 tỷ
đồng và cơ sở xếp hạng 2 sao gánh chịu thiệt hại từ 6 - 8 tỷ đồng…

Do ảnh hưởng dịch Covid - 19, khiến lượng khách đến Bình Thuận giảm sâu trong
năm 2020. Ảnh: Đ.Hòa
Cũng trong năm qua, nhằm ứng
phó tác động của dịch Covid – 19, hầu hết các doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều
giải pháp tạm thời như cho lao động nghỉ không lương hoặc giảm lương nhân công,
cho lao động nghỉ luân phiên (giãn giờ làm), thậm chí cắt giảm lao động… Bước
sang năm 2021, tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn đang diễn biến hết sức
phức tạp, đến nay còn xuất hiện chủng virus mới có khả năng lây lan mạnh hơn.
Thế nên dự báo của ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Bình Thuận nói
riêng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch trong thời gian tới.
Trước bối cảnh như trên, Thủ
tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ
kịp thời và đồng bộ để giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, đưa ngành du lịch
cả nước dần trở lại hoạt động bình thường. Đặc biệt là các nhóm giải pháp thực
hiện hỗ trợ giảm mức phí điện, giảm tiền thuê đất năm 2020, giảm lãi suất vay
ngân hàng và cơ cấu thời gian trả nợ, giảm chi phí môi trường cho các doanh
nghiệp du lịch, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…
Tuy nhiên theo đánh giá của
doanh nghiệp, các nhóm giải pháp đã triển khai tương đối phù hợp song vẫn kỳ
vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cấp ngành đẩy nhanh
tiến độ, thủ tục giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp. Như về cải cách quy trình, thủ
tục để doanh nghiệp sớm tiếp cận các chính sách mà nhất là chính sách hỗ trợ đối
với doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid - 19… Ngoài ra hiện nay, nhiều doanh nghiệp
rất cần nguồn vốn vay để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nên cần đơn giản
thủ tục để dễ dàng tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng. Bên cạnh đó cũng kiến nghị
địa phương phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai có hiệu quả
chương trình truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn” tại doanh nghiệp, góp phần
tạo sự yên tâm cho du khách khi chọn Bình Thuận là điểm đến nghỉ dưỡng, vui chơi
giải trí…
Năm 2020, lượng
khách đến Bình Thuận giảm hơn 48%
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, trong năm 2020 vừa qua, toàn tỉnh chỉ
đón khoảng 3.295.000 lượt khách, đạt 46,6% kế hoạch và giảm 48,57% so
với năm trước đó. Riêng lượng khách du lịch quốc tế có khoảng 171.000
lượt, đạt 19,7% kế hoạch và giảm 77,9% so cùng kỳ, trong khi khách nội
địa đạt 3.124.000 lượt, chỉ bằng 50,4% kế hoạch và giảm 44,5% so năm
2019. Hoạt động du lịch kém sôi động nên doanh thu của ngành trong năm
2020 cũng đạt khoảng 9.400 tỷ đồng, bằng 52,8% kế hoạch và giảm hơn 38%
so với năm trước đó… |
Quốc Tín