Theo dõi trên

Thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, Sở tại 36 cơ quan

19/06/2017, 14:35 - Lượt đọc: 342

Bộ Nội vụ ban hành văn bản số 2424/BNV-CCVC hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng

Theo đó, mục đích của việc tổ chức thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng; góp phần thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

                
      
      Thi tuyển Phó giám    đốc sở tại Quảng Ninh - địa phương tiên phong trong việc thi tuyển    các chức danh lãnh đạo (Ảnh: Vietnamnet)

Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các Bộ, ban, ngành, địa phương.

Đối tượng dự tuyển

Cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.

Cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, nếu có đủ điều kiện bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác trong cùng Bộ, ban, ngành, lĩnh vực, địa phương được quyền đăng ký tham gia dự tuyển.

Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển quy định tại các đối tượng nêu trên nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 2 cấp so với chức vụ hiện đang giữ (Ví dụ: Phó Trưởng phòng có thể được dự tuyển chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương; Trưởng phòng có thể được dự tuyển chức danh Vụ trưởng và tương đương).

Trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, khi dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức hoặc thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực (nếu có) theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh tuyển chọn.

Cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (bao gồm cả trường hợp không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên) được tập thể lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản.

Đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển quy định tại điểm trên nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ (Ví dụ: Phó Trưởng phòng chỉ được dự tuyển chức danh Trưởng phòng và tương đương; Trưởng phòng chỉ được dự tuyển chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương). Trường hợp không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực tối thiểu 3 năm (không kể thời gian tập sự, thử việc) và chỉ được đăng ký dự tuyển chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương.

Ngoài ra, người tham gia dự tuyển phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh tuyển chọn; Đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm theo quy định chung về công tác cán bộ, bao gồm: có hồ sơ, lý lịch cá nhân đầy đủ, rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức; Khoản 2, 3 và 4 Điều 56 Luật Viên chức và các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật; Đáp ứng các điều kiện khác do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quy định.

Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng có không quá 11 thành viên; Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở có không quá 17 thành viên do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quyết định.

2 nội dung thi tuyển

Nội dung thi viết: Kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định.

Nội dung thi trình bày Đề án gồm: Đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự.

Bên cạnh đó, khuyến khích các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương không được chọn thực hiện thí điểm, nhưng có chủ trương của cấp ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được thực hiện tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng theo hướng dẫn tại văn bản này.

PV/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, Sở tại 36 cơ quan