Theo dõi trên

Buổi tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Việt Nam diễn ra an toàn

17/12/2020, 15:25 - Lượt đọc: 74

Ba tình nguyện viên đã có mặt từ rất sớm và được bố trí ở phòng riêng. Họ được lựa chọn rất cẩn thận, được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe trong khoảng 300 người đã đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine Nanocovax.

Sáng 17/12, tại Học viện Quân Y, Hà Nội, ba tình nguyện viên gồm hai nam và một nữ đã được tiêm mũi vaccine Nanocovax đầu tiên. Danh tính của họ được bảo mật.

Người đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax.

Quy trình tiêm gồm tư vấn cho người tình nguyện, sau đó khám sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm chuyên sâu như siêu âm, chụp tim phổi... Khi đạt đủ tiêu chuẩn, họ sẽ được tiêm vaccine. Sau khi tiêm, họ nghỉ ngơi tại Học viện Quân y, theo dõi trong 72 giờ.

Dự kiến sau 3 ngày, những tình nguyện viên còn lại trong số 60 người thử nghiệm giai đoạn một sẽ được tiêm vaccine.

Quy trình tiêm đảm bảo an toàn tuyệt đối

Chia sẻ với phóng viên, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, mục đích của giai đoạn 1 là dò liều và thử nghiệm tính an toàn của vaccine. Vì vậy, mục đích cao nhất của giai đoạn này là đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên.

Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y.

“Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả những điều kiện tốt nhất có thể, trong đó có đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, chuẩn bị đầy đủ việc cấp cứu, hồi sức ở mức cao nhất đề phòng trường hợp thử nghiệm có tác dụng không mong muốn ở các mức độ nhẹ, vừa và thậm chí nặng nhất đều có thể xử trí kịp thời. Đến giờ phút này, các tình nguyện viên đã được tiêm xong và đã đảm bảo tuyệt đối quy trình mà chúng tôi đã chuẩn bị từ trước”- Trung tướng Đỗ Quyết cho biết.

Trung tướng Đỗ Quyết cũng nhấn mạnh, sản phẩm này do người Việt Nam sản xuất và dành cho người Việt Nam.

“Các loại vaccine hiện đã được phê duyệt trên thế giới gần như chỉ đáp ứng được 1/5 dân số và ưu tiên cho những nước phát triển. Đã đến lúc Việt Nam có quyền nói với thế giới là chúng ta làm được, chúng ta đã chứng minh điều ấy trong việc phòng chống Covid-19", Trung tướng Đỗ Quyết cho biết.

Cũng theo Trung tướng Quyết, một mình công ty sản xuất vaccine, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ không đưa ra được vaccine phòng Covid-19 mà quan trọng là cần có sự chung tay, sự sẵn sàng tình nguyện với tinh thần yêu nước, trách nhiệm cộng đồng.

“Chúng tôi sẽ cam kết sẽ đánh giá một cách khoa học, trung thực, rõ ràng để có khuyến nghị lên Bộ Y tế và thực hiện các giai đoạn thử nghiệm tiếp theo”- Trung tướng Đỗ Quyết cho biết thêm.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine cần phải có thời gian và đặc biệt là phải có minh chứng về mặt khoa học đánh giá về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine. Vì vậy cần phải có thời gian để triển khai nghiên cứu và đưa ra minh chứng khoa học để giúp cho nhà quản lý có thể cho phép sử dụng vaccine.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế).

“Trung bình với một nghiên cứu hoàn chỉnh vaccine mất 7-12 năm, nhưng trong tình trạng khẩn cấp, phát triển vaccine mới trong một đại dịch, Bộ Y tế có thể xem xét rút gọn một số công đoạn về mặt hành chính, tuy nhiên những nội dung về mặt kỹ thuật, chuyên môn, khoa học cần phải được đảm bảo”- ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, dự kiến thời gian nghiên cứu cho vaccine Nanocovax giai đoạn 1 là 4 tháng, giai đoạn 2 là 4 tháng để gối đầu và giai đoạn 3 là 6 tháng. Như vậy, dự kiến cuối năm 2021, chúng ta sẽ có các dữ liệu về nghiên cứu lâm sàng đối với vaccine Nanocovax.

Ông Quang cũng đánh giá buổi tiêm diễn ra rất bài bản, khoa học và hết sức kỹ càng, thể hiện tính trách nhiệm rất cao của không chỉ nhóm nghiên cứu, Học viện Quân y mà ngay cả ngành y tế đối với người dân. “Chúng tôi luôn đặt an toàn cho đối tượng tham gia nghiên cứu lên hàng đầu”- ông Quang nêu rõ.  

Hiện nay, hệ thống nghiên cứu vaccine của Việt Nam đã được tổ chức Y tế thế giới công nhận. Do vậy, quy trình nghiên cứu đối với vaccine Nanocovax tương đồng với quy trình nghiên cứu trên thế giới, đây là những quy trình chuẩn.

Ông Quang cũng cho rằng, vaccine là 1 trong những công cụ hữu hiệu nhưng không phải là công cụ duy nhất trong phòng chống dịch Covid-19. Do vậy, đề nghị người dân hết sức quan tâm, không được lơ là, chủ quan và vẫn phải tuân thủ theo khuyến cáo của ngành y tế trong phòng chống dịch bệnh. Với trách nhiệm của mình, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng cùng với nhà khoa học sẽ chịu trách nhiệm để nghiên cứu, phát triển và đưa ra vaccine an toàn, hiệu quả để phòng chống dịch bệnh.

Các đối tượng sau khi tiêm sẽ được theo dõi ngay tại Trung tâm trong vòng 72 giờ (3 ngày). Sau 72h, các đối tượng sẽ về nơi cư trú. Ông Quang cho biết, theo thiết kế, nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp cùng với y tế xã phường nơi cư trú tiếp tục theo dõi đối tượng tại địa bàn cư trú để đảm bảo tính toàn vẹn của đối tượng cũng như tuân thủ theo những điều kiện tối ưu của quy trình tiêm thử nghiệm.

“Nếu không có sự theo dõi các đối tượng một cách chặt chẽ, và đối tượng không tuân thủ phác đồ đề cương nghiên cứu thì sau khi tiêm, đối tượng có thể có những hành động hoặc có những lối sống, sinh hoạt bất thường mà ảnh hưởng đến sức khỏe thì đôi khi lại ảnh hưởng đến nghiên cứu. Do vậy, phải có cán bộ theo dõi các đối tượng và yêu cầu đối tượng phải tuân thủ theo các quy trình và chế độ sinh hoạt” – ông Quang cho biết.

Thiên Bình-Minh Khánh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Buổi tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Việt Nam diễn ra an toàn