Theo dõi trên

Cơ chế một cửa quốc gia về thủ tục hành chính: Bộ, ngành ì ạch kết nối

24/07/2018, 14:50

 Theo Bộ Tài chính, hiện có 11 bộ, ngành đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và thực hiện 53 thủ tục hành chính.

Hầu hết doanh nghiệp tham gia

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về "Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” sáng 24/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Cơ chế một cửa quốc gia giúp doanh nghiệp giảm chi phí đáng kể. (Ảnh minh họa: Báo Hải quan)

Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.

Theo Bộ Tài chính, hiện có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các bộ, ngành.

Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Mô hình kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Bộ, ngành vẫn ì ạch

Tuy nhiên, việc các bộ, ngành triển khai thực hiện các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa cao (53 thủ tục) trong khi mục tiêu đến cuối năm là khá lớn (143 thủ tục). Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục vẫn ở tình trạng “nửa vời”, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.

Thậm chí, trong khi thực hiện, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp. Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ). Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Tại Hội nghị, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các ưu tiên cải cách nhằm thúc đẩy cơ chế một cửa, tạo thuận lợi cho giao thương quốc tế.

Đại diện của WB kiến nghị cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong việc phân loại các biện pháp kiểm soát chuyên ngành và hợp lý hóa các biện pháp kiểm soát chuyên ngành dựa trên phân tích lợi ích chi phí.

Ông Ousmane Dione nhấn mạnh đến sự cẩn thiết phải cải tiến quản lý kiểm soát chuyên ngành bằng thông qua ứng dụng CNTT, đặc biệt thông qua cơ chế một cửa quốc gia và cho phép kiểm tra sau thông quan. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch bằng cách áp dụng các mã HS cho hàng hóa.

Trần Ngọc/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ chế một cửa quốc gia về thủ tục hành chính: Bộ, ngành ì ạch kết nối