Theo dõi trên

Đa số bộ, ngành ủng hộ đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu?

02/04/2018, 16:10 - Lượt đọc: 14

Bộ Tài chính vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương cho dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân cho dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được 60 ý kiến tham gia bao gồm 14 ý kiến tham gia của các bộ ngành, 42 ý kiến tham gia của các địa phương và 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

"Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết, với 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn", Bộ Tài chính khẳng định.

                
      
      Bộ Tài chính cho biết    đa số bộ, ngành ủng hộ tăng thuế môi trường xăng dầu (Ảnh minh họa:    KT)

Đặc biệt, đối với dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ Tài chính cho biết, đa số các ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo, chỉ có một vài ý kiến tham gia thêm. Cụ thể, có ý kiến đề nghị cần có lộ trình tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến năm 2020 để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lập luận, việc đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế tại dự thảo Nghị quyết, trong đó có mặt hàng xăng dầu (điều chỉnh tăng 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng) là đảm bảo trong khung mức thuế bảo vệ môi trường và phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường.

Cơ quan này cũng cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Cần công khai số tiền thu - chi từ thuế bảo vệ môi trường

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nếu nhìn vào các tờ trình của Bộ Tài chính sẽ thấy việc tăng thuế BVMT là để bù đắp phần thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm.

Bản chất của thuế BVMT ở Việt Nam không phải là khoản thuế sau khi thu về sẽ được dùng để chi tiêu trong một lĩnh vực, hay cho một mục đích cụ thể nào đó. Nó sẽ hòa chung vào NSNN để sử dụng chi cho các hoạt động khác. Chi cho bảo vệ môi trường chỉ là một đầu mục nhỏ trong đó.

“Những giải trình Bộ đưa ra khi đề xuất tăng thuế BVMT không thuyết phục. Trên danh nghĩa là thu thuế BVMT nhưng thực ra nó có thể là thuế để bù đắp cho việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu. Nếu thẳng thắn thừa nhận do NSNN bị giảm do nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm, dẫn tới phải tăng các sắc thuế khác có lẽ sẽ hợp lý và thuyết phục hơn", TS. Đinh Tuấn Minh nói.

Cũng theo TS Đinh Tuấn Minh, khi Bộ Tài chính thực hiện việc tăng thu NSNN thông qua thuế BVMT sẽ khiến dư luận nhầm lẫn thông điệp về bảo vệ môi trường. Vì số tiền thu về không dùng nhiều cho mục đích bảo vệ môi trường, mà dùng cho hoạt động chi khác. Trong các báo cáo của mình, Bộ Tài chính không giải trình được điều này.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, gọi là thuế bảo vệ môi trường nhưng thực sự không chi cho môi trường.

“Bộ Tài chính cần giải trình về điều này một cách rõ ràng, chính danh và minh bạch. Nếu dùng danh nghĩa phí môi trường mà không chi cho môi trường thì vấn đề này cần báo cáo Quốc hội vì không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để chi tiêu cho việc khác”, ông Doanh nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, điểm cần làm rõ chính là thuế bảo vệ môi trường dùng để làm gì. Nếu mục đích chỉ đơn thuần là giúp tăng ngân sách thì điều này không hợp lý. Mục tiêu nộp thuế môi trường là dùng số tiền đó để khắc phục những vấn đề môi trường mà sản phẩm đó có thể gây ra. Tuy nhiên, nếu nguồn thu này nộp vào ngân sách rồi được dùng cho hoạt động đầu tư nào đó thì hoàn toàn sai mục đích.

Cẩm Tú/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa số bộ, ngành ủng hộ đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu?