Ngành Công Thương đóng góp tích
Ngành Công Thương đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020
Với việc hoàn
thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu trong Kế hoạch năm 2020, ngành Công
Thương đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức
2,91%.
Thông tin tại Hội
nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công
Thương ngày 7/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết,
triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong điều
kiện có những khó khăn, thách thức đặc biệt phức tạp. Trong đó nổi lên thách
thức lớn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những ngày đầu
năm, tác động rất sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các tác động
trực tiếp làm đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Hoàn thành
toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu
Cũng trong năm 2020
ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng miền của cả
nước. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới tiếp
tục có những diễn biến hết sức phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước; đặc biệt
là cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, xu hướng bảo hộ, xung đột
thương mại tiếp tục gia tăng đã tạo ra thách thức rất lớn đối với kinh tế Việt
Nam trong năm 2020.
“Mặc dù đứng trước
những hoàn cảnh đặc biệt, song ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ
tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020, góp phần
tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%, các nền tảng vĩ
mô được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế đi
vào chiều sâu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm
2021 của ngành Công Thương.
Kết thúc năm 2020,
Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; xuất siêu ở
mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD và ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương
mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập
khẩu, với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ 2 liên tiếp đạt mức trên
500 tỷ USD.
Các ngành công
nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi
cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao
hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đo, ngành công nghiệp chế
biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng
của nền kinh tế.
Hoạt động hội nhập
quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn
cầu, mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt
Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết
và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả
quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...
Hoạt động xúc tiến
thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời với những tác động của dịch
Covid-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước
tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp
và người nông dân.
Công tác bảo đảm ổn
định cung cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị
trường được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai
đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai xảy ra ở nhiều địa
phương trong cả nước. Các chương trình kết nối cung cầu, kích thích tiêu dùng
trong nước được tổ chức thực hiện liên tục và rộng khắp trên phạm vi toàn quốc.
Gắn với đó là các chương trình kích thích thương mại điện tử và kinh tế số, tạo
động lực thúc đẩy thị trường trong nước phát triển sôi động, nâng cao tổng mức
bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội và đóng góp tích cực vào tăng trưởng
kinh tế của cả nước…
Cùng với đó, quá
trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai Chính phủ điện tử được Bộ Công
Thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu. Tới nay, với
2 đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của
Bộ Công Thương, đã có 880 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh
doanh được cắt giảm; toàn bộ 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc
phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai trực tuyến ở mức độ
2 trở lên, trong đó có 220 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, 4
trực tiếp tại Cổng dịch vụ công của Bộ...
5 nhiệm vụ
chiến lược trong năm 2021
Bước sang năm 2021,
tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức
tạp, nhanh và khó lường hơn trước; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến
lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt; đặc biệt là dịch
Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp...Ngành Công Thương thống nhất bắt
tay triển khai thực hiện ngay những nhiệm vụ giải pháp cho năm 2021.
Một là, phải tập
trung bám sát mục tiêu đề ra, bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý
kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, lắng nghe doanh
nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản
xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra. Tinh thần chung
là cố gắng phấn đấu để thực hiện ở mức cao hơn các chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ giao cho ngành Công Thương trên tinh thần đổi mới sáng tạo và
khát vọng phát triển.
Hai là, bám sát yêu
cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ để tổ chức
triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử
lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh. Tăng cường trao đổi
trực tiếp để xử lý công việc, hạn chế giấy tờ, không để mất thời gian bằng xin ý
kiến qua văn bản kéo dài nhiều lần...
Ba là, các đơn vị
trong toàn ngành cần quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện khẩn
trương, nghiêm túc các chủ trương, định hướng lớn của Đảng theo tinh thần Nghị
quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII sắp tới đây. Đặc biệt là xây dựng và
triển khai thực hiện các cơ chế chính sách để thực hiện thực chất, có hiệu quả
các đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm
tới đây trên tinh thần quyết tâm cao hơn. Coi thể chế là nền tảng quan trọng
nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đưa đất nước tiến lên.
Bốn là, lấy phát
triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành Công
Thương. Các cơ chế, chính sách, chương trình hoạt động của các Cơ quan, Đơn vị
trong ngành Công Thương, phải lấy hiệu quả và sự hài lòng của doanh nghiệp và
người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị.
Năm là, Các đơn vị
trong toàn ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phương
thức làm việc, tăng cường phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức
thực hiện, tạo chuyển động mạnh mẽ trong toàn hệ thống. Thúc đẩy chuyển đổi số
toàn diện, hướng đến phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số, nhằm đáp ứng
mục tiêu, yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, quyết liệt
hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Biểu dương, đánh giá
cao những nỗ lực và kết quả của của ngành Công Thương trong năm vừa qua và thẳng
thắn chỉ ra những bất cập còn tồn tại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn
mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương trong năm 2021 và những năm tiếp
theo là rất nặng nề.
Trong đó, trọng tâm
xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cả năm 2021 là bám sát những
nội dung Nghị quyết số 01,02 của Chính phủ; Tiếp tục tập trung vào công tác hoàn
thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; Đẩy
nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi
số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và
động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.
Ngành Công Thương
cần tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn
năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới
theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế
ngoài nhà nước; Triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị
trường do các Hiệp định thương mại tự do mang lại; Thực hiện có hiệu quả các
giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng
hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông
sản....
“Với truyền thống
đoàn kết, gắn bó, sáng tạo, hăng say lao động và chuyên nghiệp, nhất định toàn
thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Công Thương sẽ đoàn
kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu sẽ thực
hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng.
Nguyễn Quỳnh/VOV