Theo dõi trên

Sản xuất thông minh để nông nghiệp “khỏe” trong biến đổi khí hậu

16/11/2016, 10:16 - Lượt đọc: 95

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, ngành nông nghiệp Việt Nam cần áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và cạnh tranh ngày càng cao về chất lượng và giá cả nông sản trên thị trường, nhiều chuyên gia khuyến nghị, ngành nông nghiệp Việt Nam cần áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất

Tiếp cận từ góc độ thủy lợi trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thuỷ lợi Miền núi Phía Bắc (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam), cho rằng, nông dân Việt Nam đang đối mặt với vấn đề rất quan trọng là BĐKH và nước tưới. Tại Việt Nam, chi phí về nước tưới trong nông nghiệp rất cao trong giá thành sản phẩm, điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

                
      
         Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu” do    Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức chiều 15/11. 

Đơn cử, theo tính toán, để có mỗi ly cà phê cho người tiêu dùng, cần chi phí mất tới 140 lít nước tưới từ khi bắt đầu cho đến khi thu hoạch. Sản xuất 1 kg cà phê, nhà nước phải chi phí 1.000 đồng để cấp nước (chi phí thủy lợi đầu mối), và người dân cũng phải chi phí về nước thêm 3.000 đồng nữa (phục vụ tưới cà phê). Do đó, giá thành cà phê ở Việt Nam cao hơn nhiều nơi trên thế giới, vì thế mà sức cạnh tranh của sản phẩm thấp đi. Nhưng nếu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.

Đáng tiếc là, “công nghệ tưới tiết kiệm có hiệu quả rất cao nhưng hiện vẫn còn rất nhiều rào cản để có thể áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các nhà khoa học mà còn của các cấp và đặc biệt là người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp để ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm một cách đồng bộ và khoa học”.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, cạnh tranh trong nông nghiệp là cạnh tranh có tính toàn cầu, sản phẩm làm ra không nên và không thể chỉ nhằm phục vụ cho thị trường nội địa hoặc chỉ cạnh tranh với sản phẩm nội địa. Cho nên, muốn gia tăng hiệu quả sản xuất để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân, sản xuất nông nghiệp của nước ta phải bám sát yêu cầu của thị trường thế giới, nhất là khi khách hàng mua nông sản ngày càng yêu cầu cao về chất lượng.

Hơn nữa, thế giới ngày càng “phẳng hơn”, cạnh tranh gia tăng, chi phí về lao động nông nghiệp cũng ngày càng cao. Do đó, “chỉ có con đường duy nhất là ứng dụng công nghệ mới, thông minh trong sản xuất nông nghiệp để giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh”- ông Kiều khuyến nghị.

Một trong những việc cần làm, theo ông Kiều, đó là cải thiện hệ thống tưới tiêu, cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng biến đổi khí hậu nhằm giúp nông dân sản xuất được nhiều sản phẩm hơn với đầu tư ít hơn, trong khi đó lại giảm được phát thải nhà kính phải là ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Cần tập trung 4 vấn đề cốt tử

Nhấn mạnh yếu tố giá trị sản phẩm, ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới, cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp trong biến đối khí hậu cần sự thay đổi bên trong của sản xuất. Trong đó, sản phẩm độc đáo là trung tâm vì thực tế nó đã mở lối thị trường là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam khi nông sản Việt không đủ sức cạnh tranh về khoa học công nghệ.

Đặc biệt, nhìn rộng ra thì theo ông Thủy, Nhà nước cần rà soát, làm mới chính sách nông nghiệp trong việc đầu tư khoa học công nghệ, hạ tầng cơ sở, chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ vốn cho nông dân khởi nghiệp. Riêng với nông dân, “điểm cốt lõi của tổ chức sản xuất là sản xuất và xuất khẩu được nhiều nông sản vào thị trường có sức mua lớn, giá cao. Do vậy, cả cách nghĩ, cách làm cần tập trung 4  vấn đề cốt tử là: Khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm và kỹ năng giao thương” - ông Thủy nhấn mạnh.

Còn TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn Quản lý Tài nguyên và môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn), cũng đồng tình việc phải ứng dụng làm nông nghiệp thông minh, nhưng để thúc đẩy áp dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH, việc nghiên cứu, phát triển mô hình phù hợp với từng vùng sinh thái cần được quan tâm, chú trọng.

Thực tế gần đây đã có Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (VIAIP/WB7) được triển khai tại 7 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam. Dự án này nhằm thúc đẩy hơn nữa việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, nội dung về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu xây dựng một số mô hình gồm: mô hình thâm canh bền vững, sản xuất hàng hoá tập trung theo quy mô lớn (lúa, cây ăn quả) và mô hình sản xuất hàng hoá giá trị cao, thâm canh bền vững đa dạng các loại cây trồng cạn, chuyển đổi sử dụng đất lúa một cách linh hoạt.

Qua các mô hình này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước và phân bón, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, kết nối được thị trường trong sản xuất. Đồng thời, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên hệ thống canh tác đất cây trồng cạn, đảm bảo tính linh hoạt theo nhu cầu thị trường cho từng loại cây màu, mùa vụ canh tác và xây dựng chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và xuất khẩu, giảm thiểu tồn dư độc hại đối với sản phẩm sau thu hoạch; Phát huy thế mạnh, lợi thế nông sản, đặc sản ở các vùng miền để tạo giá trị thu nhập cao cho người dân.

Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.

Xuân Thân/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất thông minh để nông nghiệp “khỏe” trong biến đổi khí hậu