Theo dõi trên

An toàn cho người đi xe máy

31/07/2019, 09:09

BT- Hiện nay xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông. Với những ưu điểm nổi trội như tính cơ động cao, linh hoạt, có nhiều công năng phù hợp điều kiện đường sá, kinh tế, nhu cầu và sức khỏe của người dân nên số lượng phương tiện xe máy được các gia đình mua sắm tăng vọt trong những năm gần đây, với trên 60 triệu xe mô tô, xe máy trên cả nước.

Tuy nhiên, đi đôi với nó là những hệ lụy nhất định, mà đáng ngại nhất là tai nạn giao thông phát sinh do xe máy luôn ở mức cao. Theo thống kê  hàng năm, cả nước có tới gần 70% số vụ do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra và có gần 80% số nạn nhân thương vong do TNGT là người đi mô tô, xe máy. Tại Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm 2019, xảy ra 137 vụ tai nạn mô tô, xe máy (chiếm 70% tổng số vụ) làm chết 83 người (chiếm 70% số người chết), bị thương 104 người (chiếm 74,3% số người bị thương). Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về giao thông ở một bộ phận người dân sử dụng xe máy chưa cao; các vi phạm chạy xe quá tốc độ, uống rượu bia, đi ngược chiều, không chấp hành tín hiệu giao thông, không nhường đường, quy trình thao tác lái xe thiếu chú ý quan sát, vi phạm làn đường, phần đường, chở hàng hóa cồng kềnh, chở người quá quy định, không đội mũ bảo hiểm…

Như vậy, có thể thấy, mặc dù có rất nhiều ưu điểm và là một phương tiện đi lại vô cùng quan trọng đối với người dân, nhưng xe máy cũng được xem là loại phương tiện có nguy cơ gặp và gây tai nạn giao thông cao nhất. Nhằm thực hiện chủ đề bảo đảm TTATGT năm 2019 “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, Bình Thuận đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5 -10% cả 3 tiêu chí; giảm 10% số thương vong do tai nạn giao thông liên quan đến vận tải hành khách và mô tô, xe máy.

Để đạt được mục tiêu trên, trong khi tình hình thực tế 6 tháng đầu năm không mấy khả quan, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn trong 6 tháng cuối năm. Giải pháp quan trọng hàng đầu là phải đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để làm chuyển biến nhận thức của mọi người, xem việc tuân thủ nghiêm chỉnh Luật Giao thông, tham gia giao thông một cách có ý thức chính là cách mỗi người bảo vệ an toàn cho chính mình và những người xung quanh. Tuy nhiên để thay đổi được nhận thức và thói quen là cả một quá trình nỗ lực và cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và bản thân mỗi người tham gia giao thông. Chỉ khi nào con người có ý thức tự giác, tham gia giao thông một cách có văn hóa thì lúc đó mới giảm thiểu được tai nạn giao thông, đem lại cuộc sống an toàn, bình yên cho mình và cho mọi người.

Trong tuyên truyền cần tập trung vào các lỗi mà người điều khiển mô tô, xe máy thường mắc phải như tốc độ, làn đường, phần đường, đi ngược chiều (nhất là trên quốc lộ 1 có dải phân cách), quan sát, nhường đường khi đi từ đường nhánh ra đường chính, qua các điểm mở dải phân cách, các điểm giao cắt nguy hiểm giữa đường bộ và đường sắt, vượt đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông…

Cùng với tuyên truyền, lực lượng công an cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, vi phạm tốc độ, làn đường, phần đường, đi ngược chiều… Nhân rộng việc lắp đặt camera an ninh tích hợp giám sát giao thông để xử phạt các hành vi vi phạm. Cần có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra gia thông) và chính quyền địa phương khắc phục kịp thời sự cố giao thông, các điểm đen, làm gờ giảm tốc, lắp đặt biển cảnh báo, giải tỏa dứt điểm các biển quảng cáo, hàng quán, họp chợ, đỗ xe tự phát, xây dựng công trình… lấn chiếm lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ, đường sắt. Hy vọng với những giải pháp đồng bộ trên chúng ta sẽ giảm được tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí, nhất là người đi xe mô tô, gắn máy trong thời gian tới.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An toàn cho người đi xe máy