Theo dõi trên

“ATM điện thoại - máy tính cũ”

10/09/2021, 07:46

BT- Đại dịch Covid-19 làm nảy nở rất nhiều mô hình tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Sau “ATM gạo”, “ATM thực phẩm”, “ATM ô-xy”, “ATM sách”, “ATM F0 chống dịch”…mới đây ở nhiều trường học tại TP. Hồ Chí Minh có thêm mô hình “ATM điện thoại - máy tính cũ”, nhằm kêu gọi phụ huynh, giáo viên, nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp máy tính, điện thoại cũ, hoặc góp tiền mua điện thoại mới, cho các em học sinh khó khăn.

Xuất phát từ việc các em học sinh ở TP. Hồ Chí Minh bước vào học trực tuyến một tuần nay (và có thể học trực tuyến đến hết học kỳ 1). Để học trực tuyến các em cần có các thiết bị cơ bản như: đường truyền internet, máy tính, hoặc điện thoại thông minh có khả năng kết nối internet. Nhưng với các gia đình công nhân, lao động nghèo đời sống đang rất chật vật trong đại dịch, thì thật khó mua sắm được các thiết bị học online cho con em mình. Vì con, nhiều phụ huynh nghèo đang cố xoay sở, nhưng hàng chục triệu đồng để mua một máy tính mới cho con học online trong lúc này là bất khả thi. Nếu gia đình nào có 2 - 3 con học trực tuyến cùng lúc, thì khó khăn gấp đôi, gấp ba. Tình trạng có em thì thiếu thiết bị, có em thì thiếu đường truyền internet, có em thì thiếu cả 2 là khá phổ biến. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, thống kê có khoảng 77.000 học sinh các cấp không có điều kiện học online. Ở nhiều tỉnh - thành khác (trong đó có Bình Thuận) cũng trong tình trạng tương tự, khi đã bắt đầu năm học mới trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ. Nỗi lo tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trong mùa dịch lại gia tăng.

Cùng với mô hình “ATM điện thoại - máy tính cũ” của các trường, nhiều địa phương đang kêu gọi người dân có điện thoại, máy tính bảng, máy tính cũ chia sẻ với học sinh nghèo. Có nơi thành lập “Thư viện điện thoại yêu thương” để cho học sinh mượn thiết bị do nhà trường vận động được. Có nơi ngành giáo dục làm việc với các đơn vị viễn thông, các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá, hoặc mua trả góp máy móc thiết bị. Trên FB một số trường học ở Bình Thuận cũng đang kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ trang thiết bị học online cho học trò nghèo.

Bắt đầu một năm học đặc biệt “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về đẩy mạnh triển khai tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chất lượng giáo dục. Trong đó yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Ngành TT-TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh - giáo viên; Các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, học trực tuyến thì ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn có phương tiện học trực tuyến; Có giải pháp hỗ trợ học sinh - giáo viên các vùng khó khăn, vùng sâu, xa, không có khả năng tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình…

Trong Thư gửi ngành giáo dục nhân ngày khai giảng năm học mới 2021 - 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ khó khăn với các thầy và trò về việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa và các gia đình thiếu điều kiện, phương tiện để học trực tuyến…Nhưng Chủ tịch nước cũng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày khai trường năm 1968: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Từ đó yêu cầu: Không để một trẻ em nào ở vùng dịch, vùng sâu, xa, hay những em có hoàn cảnh khó khăn bị mất hoàn toàn cơ hội học tập vì đại dịch.

Bình Thuận vốn có truyền thống hiếu học, có phong trào khuyến học mạnh mẽ, đặc biệt có cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” phát động liên tục trên 10 năm nay, đã giúp cho hàng ngàn em học sinh - sinh viên nghèo có nguy cơ bỏ học giữa chừng được tiếp tục đến trường. Chúng ta hãy học tập và nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay của các tỉnh bạn, để giúp được nhanh và nhiều nhất các em học sinh đang gặp khó khăn trong học online.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“ATM điện thoại - máy tính cũ”