Theo dõi trên

Bài học từ Formosa 

05/07/2016, 08:25

BT- Thế là sau gần 3 tháng kể từ ngày cá chết hàng loại tại vùng biển miền Trung, với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế đã đi đến kết luận: Nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Hỗn hợp này là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.

 Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường này, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền 500 triệu USD (tương đương trên 11.500 tỷ đồng); đồng thời hứa sẽ khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường và  không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước…

Hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung là một  thảm họa  môi trường làm rúng động dư luận trong nước và quốc tế để lại con số thiệt hại rất lớn. Nó không chỉ là 70 tấn cá hoặc hơn nữa bị chết mà là gây ra hàng loạt các hệ lụy xã hội, người làm nghề cá thì không thể đánh bắt cá vì sản phẩm không tiêu thụ được, người làm nghề buôn bán, du lịch cũng lâm vào cảnh khó khăn vì không có khách. Và lâu hơn nữa nếu những chất độc vẫn còn trong nước biển, trong hải sản… thì thiệt hại của ngư dân kéo dài trong bao lâu nữa vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp.

Bài học từ Formosa cũng là lời cảnh tỉnh cho Bình Thuận. Có thể nói trong thời gian qua ô nhiễm môi trường vẫn luôn là bức xúc hàng đầu của người dân tỉnh nhà, bởi các “thảm họa môi trường” luôn hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận mà xâm hại đến môi trường gây phẫn nộ trong dư luận trong một thời gian dài. Đó là các hoạt động khai thác khoáng sản ti tan vùng ven biển không chú ý phục hồi môi trường gây ra hiện tượng xói lở, bùn đỏ, cát bay, sa mạc hóa; là các cơ sở chăn nuôi, chế biến hải sản lén lút xả chất thải ra sông suối, thải khói bụi, mùi hôi, nước thải ra môi trường xung quanh, mà điển hình nhất là khu chế biến hải sản Phú Hài và các trang trại nuôi heo ở Tân Thắng (Hàm Tân); là sản xuất muối của Công ty Thông Thuận gây nhiễm mặn ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của hàng trăm hộ dân; là các nhà máy chế biến tinh bột mì ở Lương Sơn và Đồng Nai gây ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước nghiêm trọng… Đặc biệt Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân cách đây một năm về trước và suốt một thời gian dài khói bụi và xỉ than làm ô nhiễm một vùng rộng lớn khiến người dân trong vùng bức xúc đã có những phản kháng quyết liệt và manh động. Về hiện tượng cá chết do ô nhiễm môi trường ở Bình Thuận cũng không phải hiếm, gây thiệt hại nặng nề cho những hộ dân nuôi cá lồng bè ở Vĩnh Tân, Phú Quý và gần đây nhất là ở Tân Thành (Hàm Thuận Nam). Có những vụ cá chết chưa xác định được nguyên nhân, nhưng cũng có vụ các cơ quan chức năng đã tìm ra thủ phạm (vụ ở Tân Thành) là do chất độc hại của các cơ sở chế biến cá cơm xả thải trực tiếp ra biển…

Từ sự kiện Formosa cũng như các “thảm họa” môi trường ở Bình Thuận cho thấy vì lợi ích cục bộ của mình, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định và khuyến cáo về môi trường. Những vi phạm đó được thực hiện một cách lén lút để tránh bị phát hiện và nếu có phát hiện được thì những tổn hại về môi trường cũng phải mất nhiều công sức, tiền của để xác định nguyên nhân và thủ phạm. Do vậy cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cần phải thường xuyên, liên tục kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý nghiêm minh, triệt để các vi phạm. Để làm tốt công tác này cần có bộ máy chuyên trách đủ mạnh và các phương tiện “đo đếm” cần thiết cho việc xác định mức độ ô nhiễm và thiệt hại. Từ Formosa cũng cần xem xét lại quan điểm đầu tư, không phải vì kinh tế mà đầu tư và mời gọi đầu tư bằng mọi giá, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học từ Formosa