Theo dõi trên

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững

12/01/2016, 08:06

BT- Nhìn lại công tác bảo vệ, phát triển rừng thời gian qua, cho thấy các sở ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng có chuyển biến tiến bộ, đã huy động được các tầng lớp nhân dân, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức tham gia thực hiện kế hoạch bảo vệ, phục hồi phát triển rừng nhờ đó độ che phủ (kể cả cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày) được nâng lên 53%.

Mặc dù đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận nhưng ngành lâm nghiệp tỉnh nhà cũng đang còn nhiều tồn tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như kết quả phát triển rừng không đồng đều giữa các vùng; chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm, đời sống của người dân làm nghề rừng còn khó khăn. Nhiều vụ phá rừng vẫn diễn ra nhưng chậm được phát hiện, xử lý nhất là ở những vùng rừng giáp ranh, địa bàn xa xôi, hẻo lánh. Năng lực, trang bị của lực lượng quản lý bảo vệ rừng trực tiếp còn thấp; năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của đơn vị chủ rừng còn hạn chế. Một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao đã bị chuyển đổi mục đích khác nhưng chưa xử lý kiên quyết, kịp thời.

Theo kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng diện tích 333.928 ha đất lâm nghiệp. Như vậy so với hiện tại diện tích đất lâm nghiệp sẽ giảm 16.835 ha. Tuy diện tích 3 loại rừng giảm, nhưng yêu cầu đặt ra là phải tăng độ che phủ lên 55% (kể cả cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày) so với 53% hiện tại. Điều đó đòi hỏi phải tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; phát triển lâm nghiệp nhanh, bền vững cả về kinh tế xã hội, môi trường; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng lâm nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, trước hết vẫn là giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng trong nhân dân cùng với việc tiếp tục thực hiện sắp xếp kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý gắn với tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp. Hoàn thành việc thiết lập lâm phận ổn định theo hệ thống khu, khoảnh, lô với mốc và ranh giới rõ ràng trên bản đồ và thực địa gắn với rà soát, sắp xếp tổ chức quản lý, lâm phận quản lý của các đơn vị chủ rừng, trước hết là các Ban quản lý rừng phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên, các công ty lâm nghiệp. Làm tốt việc kiểm kê đánh giá hiện trạng, phân loại rừng trên lâm phận của các đơn vị chủ rừng và những diện tích chuyển đổi ra ngoài đất lâm nghiệp, những nơi dân xâm canh để xử lý; tập trung quản lý bảo vệ tốt những diện tích rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu  nguồn, phòng hộ ven biển.

Thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc chọn tạo giống có chất lượng và năng suất cao cho nhóm cây chủ lực trồng rừng sản xuất. Tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với từng sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình hợp tác trong lâm nghiệp, thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi về thể chế để nông dân, hộ gia đình góp cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn; phát huy vai trò của trang trại, gia trại lâm nghiệp.

Việc  giao đất, giao rừng quản lý thời gian qua đã tạo được kết quả khá tốt. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư, thôn, hộ gia đình, cá nhân, bảo đảm tất cả diện tích rừng đều có chủ quản lý cụ thể và thực hiện phương thức đồng quản lý trong quản lý rừng. Tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp tạo vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, Nhà nước đầu tư vốn để phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng nhằm ổn định diện tích rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai bền vững.

HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ và phát triển rừng bền vững