Theo dõi trên

Bình đẳng trong vận động bầu cử

13/05/2021, 08:40 - Lượt đọc: 31

BT- Thời điểm này, các ứng cử viên (ƯCV) đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 3 cấp đang tiến hành tiếp xúc cử tri để trình bày chương trình hành động của mình. Đây được xem là giai đoạn hết sức quan trọng để cử tri nhìn nhận, đánh giá, so sánh với các ƯCV khác để quyết định lá phiếu của mình sẽ bầu cho ai mà họ tin tưởng, làm người đại biểu dân cử đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Cuộc tiếp xúc cử tri lần này của các ƯCV trên địa bàn tỉnh ta kéo dài từ ngày 6 - 20/5, một khoảng thời gian được ví như “thời cơ vàng” để ứng viên thể hiện trách nhiệm của mình trước cử tri. Qua theo dõi những ngày đầu tiên trên các phương tiện truyền thông cho thấy đại đa số cử tri đều thống nhất cao, bày tỏ tin tưởng vào năng lực chuyên môn, trình độ, đạo đức, phẩm chất của các ứng viên ra ứng cử lần này. Tuy nhiên khi đã bầu cử thì phải có người trúng và người không trúng – lẽ thường tình mà ai cũng có thể biết. Nói theo cách của cử tri thì ai ra ứng cử đợt này đều xứng đáng cả, nhưng số lượng bầu có hạn nên việc cử tri phải “chọn mặt, gửi vàng”, bầu những người xứng đáng nhất, nổi trội nhất để thực hiện việc giám sát tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.

Có thể khẳng định trong vận động bầu cử hiện luật đã quy định khá rõ, chi tiết những việc được làm, không được làm của các ứng viên. Điều này tạo sự công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch giữa các ứng viên khi vận động bầu cử tại cơ sở. Đối với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử có điều kiện trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc trang tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử địa phương.

Để bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên trong quá trình tổ chức vận động bầu cử, Điều 68, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nghiêm cấm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Cùng với đó Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã có hướng dẫn để mọi người ứng cử đều bình đẳng như nhau; không có chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử. Đối với hình thức vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời gian trình bày chương trình hành động tương đương nhau và với hình thức vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng quy định tương tự. Các ứng viên có thời lượng trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình như nhau, không có sự phân biệt. Hoặc nếu đăng bài phát biểu, hình ảnh của các ứng cử viên thì phải xếp theo thứ tự chữ cái A, B, C. Ngoài ra, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của tổ chức này không được vận động cho người ứng cử. Đồng thời, các phương tiện thông tin đại chúng cũng không được tự tuyên truyền vận động cho bất kỳ một cá nhân nào. Được biết, giám sát việc này là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cùng nhân dân sẽ theo dõi chặt chẽ, vì có càng nhiều kênh thông tin sẽ bảo đảm tính khách quan trong cuộc bầu cử sắp đến.

Thông tin, tuyên truyền về bầu cử là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; đặc biệt các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng. Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền về bầu cử đang được tiến hành song song với quá trình chuẩn bị bầu cử. Cử tri sẽ bỏ phiếu cho ai để bầu người có đủ phẩm chất và năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, do chính họ quyết định.

NHƯ NGUYỄN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình đẳng trong vận động bầu cử