Theo dõi trên

Bỏ học đi biển

05/06/2020, 10:42

BT- Sau đợt nghỉ dài ngày do ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua, nhiều trường học ở huyện đảo Phú Quý đang “đau đầu” trước tình trạng nhiều em học sinh THCS bỏ học, nam thì nghỉ học đi biển, nữ thì đi làm nhân viên quán nước phụ giúp gia đình. Trường THCS Tam Thanh có 29 em, Trường THCS Long Hải có 19 em, Trường THCS Ngũ Phụng có 3 em, ngoài ra còn một số em khác nguy cơ bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Mặc dù các thầy cô giáo đã đến tận nhà vận động các em trở lại lớp, nhưng số em trở lại trường rất ít. Ngoài huy động mặt trận, đoàn thể vào cuộc, huyện Phú Quý đã phân công Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý tham gia vận động các em học sinh nam bỏ học đi biển, còn lực lượng công an xã vận động các em nữ bỏ học đi làm ở các quán nước, tiệm, shop bán hàng.

Không chỉ ở huyện đảo Phú Quý mà ở nhiều vùng biển - hải đảo khác trên cả nước cũng “đau đầu” với tình trạng học sinh bỏ học đi biển. Rất nhiều em học tới lớp 6 - 9 (từ 12 - 15 tuổi) là nghỉ học theo cha, anh đi đánh bắt xa bờ dài ngày. Thầy cô giáo đến nhà vận động thì không gặp học sinh, vì các em đi biển vắng nhà. Còn phụ huynh thì vì cái lợi trước mắt nên khi thấy con bỏ học cũng không phản đối và cũng chẳng thiết tha gì phối hợp cùng thầy cô vận động con em trở lại trường.

Thầy cô kể có phụ huynh còn nói thẳng: Nó học không nổi nữa thì gia đình cho đi biển kiếm sống, thầy cô ép làm gì. Làng chài vài đứa tốt nghiệp đại học về không xin được việc làm cũng đi biển đó thôi!

Còn phụ huynh khác bộc bạch suy nghĩ: Học chắc gì đã xin được việc làm, và có xin được việc thì chắc gì kiếm được nhiều tiền hơn đi biển. Lương tháng ở cơ quan nhà nước ít ỏi, sao nhiều tiền bằng một chuyến đi biển dài ngày? Đi biển vừa kiếm được tiền, vừa không tốn tiền học phí. Văn chương không bằng cái xương cá mòi!

Ngoài nhận thức hạn chế của phụ huynh, một thực tế ở vùng biển là người dân lao động đi biển dài ngày nên ít có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con cái. Các em ham chơi, biếng học, lâu ngày đuối theo không nổi nên chán nản bỏ học theo cha, anh đi biển mưu sinh, từ nấu cơm, phụ kéo lưới, giũ lưới, câu mực... trong những chuyến khơi xa.

Đến các bến cá dễ dàng bắt gặp những cậu bé tóc hoe vàng, vóc dáng nhỏ thó nhưng gương mặt đã dạn dày sóng gió đang làm việc trên tàu cá. Nếu ở miền núi, vùng sâu, xa còn tồn tại hiện tượng cha mẹ bắt con gái nghỉ học sớm để lấy chồng (ở Đắk Nông sau đợt nghỉ giãn cách, nhiều học sinh bỏ học giữa chừng đi lấy chồng), thì ở vùng biển con trai lại được nhiều gia đình khuyến khích nghỉ học đi biển. Tâm lý học cho biết chữ rồi đi biển kiếm tiền đã ăn sâu vào nếp nghĩ nhiều thế hệ ngư dân, không thay đổi ngay được.

Một thực tế khác là tình trạng thiếu hụt lao động biển, do số lượng tàu cá tăng nhanh, biển dả ngày càng khó, tôm cá nghèo đi, nên nhiều chủ tàu sử dụng thêm lao động trẻ em, không chỉ đánh bắt gần bờ mà cả các chuyến xa bờ dài ngày bám biển.

 Tuy nhiên tình trạng học sinh chưa đến tuổi thành niên đã tham gia mưu sinh trên biển, trong khi nghề biển là lao động nặng nhọc, vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro là một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm ở các vùng biển, nhất là trong “Tháng hành động vì trẻ em” này.

ĐẶng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ học đi biển