Theo dõi trên

Bức xúc vì không có ai chịu trách nhiệm sự cố môi trường

18/11/2016, 08:25

BT- Tuần này, cả nước quan tâm theo dõi các đại biểu Quốc hội chất vấn 4 Bộ trưởng: Công thương, Tài nguyên – Môi trường, Giáo dục – Đào tạo và Nội vụ. Bởi lẽ các nội dung chất vấn đều là những vấn đề nóng bỏng của người dân và đất nước. Riêng tôi, quan tâm nhất tới phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà, bởi vì Bình Thuận quê tôi cũng đang có rất nhiều vấn đề bức xúc về môi trường, chờ Bộ trưởng giải quyết.

Bãi xỉ than được công nhân nhiệt điện Vĩnh Tân phủ bạt khắc phục ô nhiễm môi trường

Tôi được biết đã có 44 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, chứng tỏ cử tri cả nước quan tâm vấn đề tài nguyên, môi trường đến mức nào. Theo dõi phiên chất vấn, có nhiều câu hỏi đầy bức xúc, như tiếng kêu cứu của người dân ở những làng đang chết dần chết mòn vì ung thư, hay ở những vùng – miền mà sinh kế người dân đã kiệt quệ vì môi trường biến đổi. Ví dụ có đại biểu hỏi: Biến đổi khí hậu khiến thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Giải pháp nào để ứng phó? Đại biểu khác lại chất vấn: Tài nguyên khoáng sản của đất nước đang bị khai thác cạn kiệt, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Bộ trưởng có giải pháp nào để ngăn chặn?

Nhưng có lẽ bức xúc nhất của dư luận đó là: Khi xảy ra ô nhiễm, thậm chí sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng, thì không ai, không cơ quan nào chịu trách nhiệm (ngay cả Bộ Tài nguyên – Môi trường). Cơ quan nhà nước này đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan kia, đá lên đá xuống, đá qua đá lại, rốt cuộc chỉ có người dân phải lãnh đủ hậu quả ô nhiễm.

Đại biểu Quốc hội chất vấn thẳng thừng: Vì sao nhiều dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ Tài nguyên – Môi trường phê duyệt, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có sai phạm, tiêu cực ở đây hay không?

Có đại biểu Quốc hội hỏi thẳng: Dư luận nói rằng ĐTM nếu doanh nghiệp tự làm thì rất khó được phê duyệt. Nhưng nếu “thuê” ngay cơ quan thẩm định ĐTM làm, thì rất dễ được phê duyệt. Bộ trưởng có biết việc này?

Nếu để ý, sẽ thấy trong hầu hết câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường đều có cụm từ “trách nhiệm”, cho thấy “lổ hổng” khổng lồ trong quản lý môi trường hiện nay là việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thẩm định, cấp phép triển khai dự án xảy ra sự cố môi trường. Vì vậy nếu chưa lấp được “lổ hổng trách nhiệm” này, thì khó bảo đảm rằng sẽ không tái diễn 1 (hay nhiều) Formosa nữa.

Tranh thủ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận do Phó Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà. Nhiều vấn đề môi trường bức xúc của Bình Thuận đã được đặt lên bàn Bộ trưởng, đó là kiến nghị đưa các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt về môi trường; Đó là đề nghị không cho phép lấy nước ngầm tuyển quặng titan như doanh nghiệp yêu cầu, do Bình Thuận là tỉnh khô hạn, nguồn nước ngầm chỉ ưu tiên phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, ngăn ngừa nhiễm mặn; Đặc biệt việc xin phép nhấn chìm xuống biển 1,5 triệu m3 chất thải nạo vét luồng lạch của Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 đang khiến chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận lo ngại, cần được Bộ Tài nguyên – Môi trường cân nhắc…

“Sau hàng loạt sự cố, môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa” – đó là câu đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường chỉ ít ngày trước phiên chất vấn. Chúng ta đã chứng kiến những lời nói và cam kết của Bộ trưởng trong phiên chất vấn vừa kết thúc. Giờ là lúc chờ xem Bộ trưởng hành động, hành động quyết liệt như đã bị dồn vào thế chân tường.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức xúc vì không có ai chịu trách nhiệm sự cố môi trường