Theo dõi trên

Cần giám sát điện lực Vĩnh Tân như Formosa Hà Tĩnh, Bauxite Đắc Nông

11/11/2016, 08:20

BT- Tuần qua, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ đưa các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt về môi trường, như dự án Formosa ở Hà Tĩnh, Bauxite ở Đắc Nông… Điều này cho thấy dư luận không chỉ ở Bình Thuận mà cả nước đặc biệt lo ngại về nguy cơ sự cố môi trường xảy ra ở Vĩnh Tân.

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân gồm các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng, với 10 tổ máy, tổng công suất 6.224 MW, hầu hết sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống, nhiên liệu đốt lò là than cám 6A. Năm ngoái, nhà máy đầu tiên là Vĩnh Tân 2 mới đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, Chính phủ phải chỉ đạo khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên các biện pháp khắc phục sau đó chỉ mang tính tạm thời. Nguy cơ gây ô nhiễm, xảy ra sự cố môi trường tại Vĩnh Tân rất cao, khi các dự án trên lần lượt đi vào hoạt động. Bình Thuận kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu EVN và các chủ dự án khác rà soát, đánh giá lại tác động môi trường toàn bộ các dự án tại đây, từ đó có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dư luận, báo chí và trên diễn đàn Quốc hội cũng đề nghị dừng các nhà máy nhiệt điện chưa xây dựng để xem xét tính khả thi, còn các nhà máy đã xây dựng thì cần giám sát, quản lý chặt chẽ.

Một thông tin khác khiến dư luận thêm quan ngại là việc xin phép đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển sau nạo vét của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1, đe dọa đến Khu bảo tồn đa dạng sinh học biển Cù Lao Câu. Khu bảo tồn biển này có 234 loại san hô, 34 loài thủy sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Sự ra đời Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (cùng các dự án liên quan) đe dọa xóa sổ khu bảo tồn biển này nếu thiếu cân nhắc các tác động môi trường. Người nuôi tôm giống, tôm thịt ở Vĩnh Tân cũng đang bức xúc trước thông tin này.

Giữa nhiều thông tin quan ngại về Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, tuần qua có tin tốt là Công ty cổ phần Mãi Xanh đã hợp đồng tiêu thụ toàn bộ số lượng tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (khoảng 1,3 triệu tấn/năm) để sản xuất vật liệu xây dựng như: gạch không nung, xi măng, kết cấu beton lấn biển… xuất thành phẩm qua cảng Vĩnh Tân. Hợp đồng này có thời hạn 28 năm, dự kiến Công ty Mãi Xanh sẽ tiếp nhận tro xỉ từ 1/1/2017. Ủy ban tỉnh đã cấp đất ngay tại Vĩnh Tân cho Công ty Mãi Xanh xây dựng nhà máy.

Nhược điểm lớn nhất của nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn ra môi trường. Xử lý triệt để vấn đề tro xỉ mới giải được bài toán vừa phát triển nhiệt điện, vừa bảo đảm không ô nhiễm môi trường. Hiện các nhà máy nhiệt điện phía Bắc như: Phả Lại, Uông Bí, Quảng Ninh, Nghi Sơn… đã có đối tác tiêu thụ tro xỉ. Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị EVN khẩn trương tìm phương án tiêu thụ xỉ than để giảm áp lực môi trường cho địa phương. Nhưng khó khăn lớn nhất cho sản phẩm tro xỉ là thói quen sử dụng của khách hàng, một khi chưa có đầu ra ổn định thì tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện vẫn chưa được xử lý triệt để.

Vì vậy, việc nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tìm được đầu mối tiêu thụ tro xỉ sau gần 2 năm đi vào hoạt động, không chỉ tăng nguồn thu cho nhà máy, mà còn vơi bớt lo âu cho Bình Thuận. Trong khi chờ Chính phủ đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào diện “giám sát đặc biệt”, thì Bình Thuận vẫn không thể “rời mắt” khỏi điện lực Vĩnh Tân được, nhất là khi mùa khô hạn đang đến gần.

K.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần giám sát điện lực Vĩnh Tân như Formosa Hà Tĩnh, Bauxite Đắc Nông