Theo dõi trên

Cảnh báo thủ đoạn bức tử rừng tinh vi

02/11/2018, 08:42

BT- Trước đây, với tập quán du canh du cư, sau vài mùa rẫy khi đất đai đã cằn cỗi đồng bào dân tộc thiểu số lại “hồn nhiên” đi đốt rừng, làm rẫy mới. Nay tập quán ấy đã không còn, đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số đã định canh định cư và có ý thức bảo vệ rừng.

Nhưng gần đây nổi lên hành vi lấn chiếm đất rừng tinh vi hơn, ban đầu xuất hiện ở một số tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Gia Lai, rồi lây lan đến Bình Thuận, đó là vạt vỏ xung quanh gốc cây (ken cây), hoặc đục lỗ vào thân cây rồi cho thuốc diệt cỏ vào để cây chết dần. Sau khi cây rừng chết, họ chặt hạ để lấn chiếm đất rừng trồng cà phê, điều, thanh long, hoa màu.

Đối tượng chặt và bơm thuốc “lạ” vào thân cây

Năm ngoái, bài “Bức tử rừng nguyên sinh” của phóng viên Báo Bình Thuận đã cảnh báo thủ đoạn “ken cây” tước vỏ khiến nhiều vạt rừng nguyên sinh (kể cả cây cổ thụ) ở khu vực thác Đầu Trâu, thác Trượt (Đức Phú -  Tánh Linh) bị chết khô. Nhiều ha rừng tươi tốt bị triệt hạ, thay vào đó là diện tích điều, cà phê, hoa màu.

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn  và huyện Tánh Linh đã vào cuộc kiểm tra phát hiện tại thác Đầu Trâu có hàng trăm cây rừng bị vạt vỏ, hoặc bị ngã đổ do đốt gốc, triệt hạ. Nhiều tổ chức - cá nhân liên quan bị kiểm điểm trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng.

Tiếp đến, tháng 9 vừa qua Báo Bình Thuận lại phản ánh tình trạng hàng loạt cây rừng tại tiểu khu 302A khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (Hàm Thuận Nam) bị đầu độc bằng hóa chất. Thủ đoạn là dùng dao, rựa chặt vào thân cây một vết nhỏ, sau đó bỏ hóa chất vào làm cho cây ngấm thuốc rụng lá chết dần. Qua kiểm tra, hàng trăm cây rừng đã chết khô (hoặc rụng lá sắp chết) vì hành vi tàn độc này.

Chi cục Kiểm lâm đã xác định vụ phá rừng Tà Cú trên là có tổ chức, có người cầm đầu, gây hậu quả nghiêm trọng, nhằm lấn chiếm đất lâm ngiệp để trồng thanh long, nên đã đề nghị khởi tố vụ án chuyển cơ quan công an tìm cho ra kẻ chủ mưu để xử lý.

Mới đây, cuối tháng 10/2018 báo chí tiếp tục phản ánh 49 cây rừng như sao, sến, dầu, bằng lăng... có tuổi đời hàng chục năm ở khu vực cầu Treo - Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) bị "ken gốc" vạt vỏ cho chết dần để lấy đất canh tác. Đối tượng thực hiện là ông T. (người dân tộc thiểu số ở Đông Giang) được bà M. thuê dùng rựa vạt hết vỏ xung quanh gốc cây. Dư luận rất bức xúc và chờ đợi pháp luật sẽ xử lý kẻ chủ mưu này như thế nào. UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn cho Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và huyện Hàm Thuận Bắc xác minh thông tin báo phản ánh và xử lý kịp thời.

Thủ đoạn vạt vỏ xung quanh gốc làm cây không vận chuyển được nước, chất dinh dưỡng lên nuôi cành, ngọn phía trên, hoặc đục lỗ đổ thuốc diệt cỏ (hoặc dầu nhớt) vào đầu độc cây rừng là rất tàn độc, khiến ngay cả các cây rừng cổ thụ cũng không thể sống sót. Đáng chú ý hành vi này tinh vi, diễn ra âm thầm và kéo dài. Rất hiếm hoi chủ rừng hoặc kiểm lâm bắt tại trận được đối tượng vi phạm, đến khi phát hiện thì sự việc đã rồi. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi rừng đã có diện tích cây trồng khác thay thế, lúc ấy người trồng thanh long hay điều, cà phê chỉ bị kết tội “canh tác nông nghiệp trái phép trên đất lâm nghiệp”, còn việc “ken cây” coi như chuyện đã rồi.

Nhiều BQL rừng mỗi năm đều tiến hành nhổ bỏ cây trồng trên đất lấn chiếm, nhưng các đối tượng vẫn lén lút “ken cây”, dùng thuốc diệt cỏ triệt hạ nốt các cây rừng còn sót lại để lấn đất.

Dân gian có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Dư luận rất đồng tình việc khởi tố các vụ bức tử rừng, trừng trị kẻ chủ mưu, ngăn chặn thủ đoạn hủy hoại rừng tinh vi trên.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo thủ đoạn bức tử rừng tinh vi