Theo dõi trên

Cánh đồng gió ngoài khơi và chiến lược phát triển kinh tế biển

21/12/2018, 11:05

BT- Tuần qua tại Hà Nội, nhà đầu tư Enterprize Energy Pte (EE) phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Điện gió ngoài khơi Kê Gà - đột phá mới cho nền kinh tế Việt Nam”. Đây là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại nước ta, có tổng công suất lên tới 3.400 MW, gồm 300 - 340 tuốc bin gió ngoài khơi, vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, chia ra nhiều phân kỳ đầu tư.

Nhà đầu tư cho rằng: Chúng tôi đã cân nhắc điều kiện gió của Bình Thuận và đi đến kết luận điều kiện gió tại đây sẽ mang đến hiệu quả không kém gì dự án chúng tôi đã triển khai tại eo biển Đài Loan (nơi có một số tốc độ gió cao nhất thế giới). Dự án "cánh đồng gió ngoài khơi" này sẽ được xây dựng trên vùng biển có diện tích hơn 2.000 km2, cách xa đất liền tối thiểu 20 km (tính từ mũi Kê Gà), nơi có tốc độ gió bình quân 9,5m/s. Dự án này sẽ cung cấp điện cho TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, nơi đang tăng trưởng công nghiệp rất nhanh...

Mũi Kê Gà nhìn từ xa. Ảnh: N.Lân

Thời điểm này cũng là lúc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đề ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo xu thế "tiến ra biển" của nhân loại trong thế kỷ 21, nhận thức của chúng ta về kinh tế biển cũng ngày càng mở rộng hơn, ngày càng xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển mới đầy hứa hẹn. Nếu trong thế kỷ XX, kinh tế biển Bình Thuận chủ yếu mũi nhọn thủy sản với các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và diêm nghiệp, thì sang thế kỷ XXI, ngoài thủy sản Bình thuận đã có thêm hàng loạt ngành kinh tế biển mới.

Dưới đáy biển, Bình Thuận có trữ lượng lớn dầu khí, với 3 mỏ dầu khí đang khai thác hiệu quả là Rạng Đông, Ru Bi, Sư Tử Đen (sản lượng 80.000 thùng dầu ngày - đêm).

Ven biển Bình Thuận có tiềm năng lớn về du lịch. Hơn 20 năm qua lượng du khách đến Bình Thuận liên tục tăng trưởng trên 10% năm. Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ đã thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông lâm thủy sản, tạo thêm nhiều sinh kế, việc làm, thu nhập cho dân, nguồn thu thuế cho ngân sách. Bình Thuận được quy hoạch thành Trung tâm du lịch - thể thao biển tầm quốc gia.

Dưới tầng cát đỏ ven biển Bình Thuận là trữ lượng lớn quặng sa khoáng titan. Bình Thuận đang thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu titan theo hướng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường, từng bước trở thành trung tâm chế biến sâu sa khoáng titan của quốc gia.

Đặc biệt những năm gần đây, vùng biển cực Nam Trung bộ nắng gió khắc nghiệt này đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Về điện gió, hiện có 19 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng công suất 707 MW, trong đó 3 dự án đã vận hành, ngoài ra còn có 13 dự án điện gió khác, tổng công suất 517 MW, đã có quyết định chủ trương đầu tư. Dự án “cánh đồng gió ngoài khơi Kê Gà” kể trên là một hướng phát triển mới khi quỹ đất “sạch” ven biển eo hẹp do chồng lấn với quy hoạch khai thác, dự trữ quặng titan.

Về điện mặt trời, Bình Thuận đã có 90 dự án đăng ký đầu tư, tổng công suất 5.341 MWp, tổng diện tích 6.725 ha, tổng vốn đầu tư hơn 137.000 tỷ đồng. Theo xu thế phát triển của thế giới, Bình Thuận sẽ có các nhà máy điện mặt trời nổi trên các hồ thủy lợi và trên mặt biển. Năm 2019 Nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ Hàm Thuận - Đa Mi sẽ đi vào vận hành... Tương lai Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của vùng duyên hải miền Trung.

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đang xây dựng, với 5 nhà máy có tổng công suất 6.264 MW, hiện Vĩnh Tân 2, 4 đã hoạt động, Vĩnh Tân 1 đang chạy thử nghiệm, Vĩnh Tân 4 mở rộng đang thi công và Vĩnh Tân 3 chưa khởi công.

Trong Chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã cập nhật các tiềm năng và cơ hội nói trên, cùng các thách thức đang đặt ra. Đó là bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hiện tượng xâm thực, xói lở bờ biển ngày càng gia tăng đe dọa hàng chục khu dân cư, khu du lịch ven biển. Đó là nghề cá truyền thống đang đối mặt với sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; tiềm năng điện gió, điện mặt trời hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng giá bán điện còn thấp là một trở ngại mà Bình Thuận đang kiến nghị Trung ương tháo gỡ. Đặc biệt tiềm năng du lịch biển còn rất lớn, nhưng quy hoạch chồng lấn với titan khiến hàng trăm dự án không thể triển khai.

Nếu có quỹ  đất “sạch” ven biển đủ lớn, Bình Thuận hoàn toàn có thể thu hút được các dự án du lịch tỷ đô, cỡ như “cánh đồng gió ngoài khơi Kê Gà” vậy. Nhất là khi đã có sân bay, đường cao tốc đến Bình Thuận.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cánh đồng gió ngoài khơi và chiến lược phát triển kinh tế biển