Theo dõi trên

Cảnh giác với lừa đảo qua cầm cố, thế chấp tài sản

06/08/2019, 09:57 - Lượt đọc: 6

BT- Công an TP. Phan Thiết cho biết, trong thời gian qua, đã nhận nhiều đơn thư tố giác về hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức cầm cố, thế chấp tài sản có giá trị cao.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm thường lợi dụng việc người dân có nhu cầu vay mượn tiền, một số đối tượng cho vay và người vay trao đổi, thỏa thuận vay mượn bằng cầm cố, thế chấp tài sản, trả lãi hàng tháng với lãi suất cao, thời gian ngắn… Chủ sở hữu tài sản hợp pháp cầm cố, thế chấp tài sản trong thời gian vay mượn tiền thường thỏa thuận miệng. Sau đó, người nhận tiền phải ra công chứng ký hợp đồng chuyển những tài sản (quyền sử dụng đất, nhà ở, ô tô, xe máy…)  cho người cầm cố với giải thích “để làm tin”; khi người bán hoàn trả đủ số nợ thì họ sẽ hủy hợp đồng.

Tuy nhiên sau khi có hợp đồng chuyển nhượng tài sản, các đối tượng nhận cầm cố, thế chấp đã nhanh chóng chuyển nhượng, sang tên cho người khác, có khi là người “cùng hội cùng thuyền” số tài sản của người vay nhằm chiếm đoạt tài sản. Khi người vay, mượn tiền phát hiện tài sản của mình đã bị chuyển nhượng thường xảy ra tranh chấp, tố cáo đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên người vay, mượn không có tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh việc tài sản của mình thế chấp, cầm cố trước đó, ngoài hợp đồng chuyển nhượng tài sản có công chứng hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc điều tra, xác minh và chứng minh hành vi phạm pháp của đối tượng.

Bộ luật Dân sự quy định: Cầm cố tài sản là việc bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Còn thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.

Luật cũng quy định bên nhận cầm cố không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; không được đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; nếu vi phạm sẽ bị coi là hành vi bất hợp pháp và người cầm cố có quyền yêu cầu đòi lại tài sản ở người đang thực tế chiếm hữu, dù rằng đó là tài sản mà mình đã cầm cố. Ngay sau khi nghĩa vụ chính chấm dứt (nghĩa vụ được đảm bảo bằng tài sản cầm cố) người nhận cầm cố phải trả lại tài sản cho bên cầm cố đúng với tình trạng như lúc nhận cầm cố…

Từ thực tế trên, vấn đề cần chú ý trong hoạt động cầm cố, thể chấp là phải có hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản. Trong đó cần xác định tên, địa chỉ bên cầm cố, bên nhận cầm cố, nghĩa vụ được đảm bảo, tài sản cầm cố, giá trị tài sản cầm cố, thời hạn cầm cố, quyền và nghĩa vụ bên cầm cố, bên nhận cầm cố, xử lý tài sản cầm cố, cam kết của các bên, hiệu lực của hợp đồng cầm cố… Đối với những tài sản cầm cố, thế chấp có giá trị cần được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký giao dịch đảm bảo để thuận lợi cho việc xử lý khi có tranh chấp.

Để hoạt động cầm cố, thế chấp tài sản đúng quy định pháp luật, tránh xảy ra những hệ lụy đáng tiếc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của công dân, các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là những quy định có liên quan đến hoạt động cầm cố, thế chấp tài sản để mọi người thông hiểu và áp dụng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tích cực vào cuộc điều tra, xử lý các hành vi lừa đảo, gian lận chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động cầm cố, thế chấp tài sản để bảo vệ, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác với lừa đảo qua cầm cố, thế chấp tài sản