Theo dõi trên

Cảnh giác trước các chiêu trò phá hoại bầu cử

20/05/2021, 11:34 - Lượt đọc: 60

BTO- Chỉ còn vài ngày nữa, cử tri cả nước sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong niềm hân hoan của ngày hội non sông, thì một số tổ chức, một số kẻ phản động, cơ hội chính trị tiếp tục “rêu rao”, “kêu gào” người dân “không đi bầu cử”, tuyên truyền, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của Đảng ta, Nhà nước ta…; nhằm gây mất an ninh trật tự, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, theo kịch bản “cách mạng màu”, “Mùa xuân ả rập”.

Có lẽ, người dân Việt Nam không lạ gì những âm mưu, thủ đoạn bẩn thỉu của các tổ chức, cá nhân phản động, cơ hội chính trị. Bởi, cứ mỗi khi đất nước có sự kiện lớn, thì chúng đẩy mạnh cường độ, tần xuất chống phá; có khác chăng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, nham hiểm hơn, trắng trợn hơn. Nhưng “vải thưa không che được mắt thánh”, Nhân dân ta luôn cảnh giác, nhận rõ bộ mặt thật của những “nhà dân chủ” rởm, “nhà hoạt động xã hội vì dân” rởm.

Sau khi màn kịch “tự ứng cử” bị thất bại; các “nhà dân chủ” rởm, “ứng cử viên” rởm lên mạng xã hội và các trang thông tin nước ngoài lu loa cho rằng “sẽ biết ngay bị loại từ vòng gửi xe”, “bầu cử ở Việt Nam không có dân chủ”. Bên cạnh đó, chúng còn bịa đặt, bôi nhọ đời tư, gửi đơn “tố cáo” một số ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, “khiếu kiện” “khiếu nại”, “kiến nghị” nhằm gây phức tạp tình hình, mất an ninh trật tự…hòng làm cho người dân, cử tri nghi ngờ với những thông tin chính thống; “thờ ơ”, “hoang mang” trong thực hiện bầu cử.

Có lẽ những “nhà dân chủ”, “ứng cử viên” rởm và các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam không biết hoặc cố tình không biết, tại Điều 15 của Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ trong khoản 1: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” và khoản 3: “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội”. Như vậy, đi bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Những ngày qua, từ Trung ương tới từng khu phố, thôn, xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử, chuẩn bị các mặt chu đáo cho ngày hội non sông; giải quyết thấu đáo, kịp thời các đơn, thư khiếu kiện liên quan đến các ứng cử viên và các vấn đề xã hội. Các địa phương đã và đang xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể cho công tác phòng, chống dịch trong ngày bầu cử. Ngoài thực hiện thông điệp "5K", thì chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người. Tại mỗi điểm bầu cửđều phải có đầy đủ điều kiện phòng dịch, như: sát khuẩn, đo thân nhiệt, yêu cầu cử tri phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đặt các thùng phiếu phù hợp để bảo đảm khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và trong lúc đứng chờ.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HDND là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Chính vì vậy, Nhân dân và các cử tri cần tỉnh táo, kịp thời phát hiện, chủ động đấu tranh với các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc bầu cử, cùng với chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang góp phần giữ vững ổn định, đóng góp vào thành công trong ngày hội lớn của đất nước.

 MAI THANH VĂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác trước các chiêu trò phá hoại bầu cử