Theo dõi trên

Chẳng lẽ công nghệ thông tin 4.0 cũng thua ?

26/07/2019, 15:21 - Lượt đọc: 71

BT- Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chạy lấn làn... là những vi phạm chính dẫn đến tai nạn giao thông ở các thành phố có mật độ phương tiện lưu thông đông đúc. Nguyên nhân do ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người còn rất kém. Vì vậy dư luận rất đồng thuận khi ngân sách bỏ ra 19 tỷ đồng lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 10 điểm nút giao thông quan trọng của TP. Phan Thiết. Mọi người đều hy vọng triển khai phạt nguội qua camera, tình hình giao thông tại Phan Thiết sẽ chuyển biến tích cực, các vi phạm như vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy quá tốc độ sẽ giảm hẳn. Nạn “mãi lộ”, “xin xỏ” khi “phạt nóng” cũng giảm, vì bằng chứng từ camera là không thể chối cãi. Hơn nữa cảnh sát giao thông rải khắp các giao lộ cũng ảnh hưởng đến hình ảnh “an toàn, thân thiện” của một thành phố du lịch.

 Từ ngày 1/1/2019 Phan Thiết bắt đầu thực hiện “phạt nguội” dựa vào hình ảnh camera ghi lại. Từ biển số xe vi phạm, cảnh sát giao thông xác minh chủ phương tiện, gửi thông báo mời đến nộp phạt. Chỉ sau nửa năm camera giám sát đã phát hiện khoảng 12.000 trường hợp vi phạm, trong đó 9.800 trường hợp vi phạm tốc độ, 2.100 trường hợp vi phạm tín hiệu đèn giao thông... Thế nhưng nếu nói có camera giám sát, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân thành phố được nâng cao, tình hình trật tự an toàn giao thông tại thành phố được đảm bảo thì còn quá sớm.

Theo Báo Bình Thuận vừa phản ánh thì trong 12.000 trường hợp vi phạm đã gửi thông báo, có hơn 7.300 trường hợp bị bưu điện trả về (do người vi phạm từ chối không nhận, hoặc địa chỉ không đúng, không rõ). Rất nhiều trường hợp khác chủ xe đã nhận thông báo nhưng lờ đi không đến nộp phạt, mà pháp luật chưa có chế tài cưỡng chế gì. Nói chung “phạt nguội” vẫn chỉ dựa vào “tự giác” là chính, nên số trường hợp chấp hành đến nộp phạt rất nhỏ.

Đành rằng lắp camera không phải để xử phạt thật nhiều, mà cốt răn đe để người dân tự giác tuân thủ Luật Giao thông. Nhưng nếu pháp luật không nghiêm minh thì làm sao có tác dụng răn đe để hạn chế vi phạm? Hàng trăm, hàng ngàn người vi phạm “vô tư” không nộp phạt sẽ dẫn tới “lờn luật”, ai còn sợ camera giám sát nữa?

   Tình hình “phạt nguội” chưa hiệu quả không chỉ ở Phan Thiết, mà ở nhiều thành phố khác trên cả nước và đã được phản ánh đến Quốc hội. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại Quốc hội ngày 5/6/2019, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn đại biểu Quốc hội  tỉnh Bình Thuận) hỏi: Qua nghiên cứu ở nhiều quốc gia thì việc giám sát, xử lý bằng camera và phạt nguội là giải pháp khả thi nhất. Ở ta qua triển khai thí điểm ở một số địa phương thì khó khăn là chưa có chế tài cưỡng chế đối với người vi phạm không đóng phạt. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để phạt nguội hiệu quả? Đồng thời xe không chính chủ khi vi phạm không chịu nộp phạt, bộ xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định chỉ có sử dụng công nghệ mới có thể giám sát chặt chẽ trật tự an toàn giao thông. Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chủ trương này và mong Quốc hội ủng hộ việc sửa luật (hiện Luật Giao thông đường bộ và luật xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định về phạt nguội).

Trong hội nghị sơ kết trật tự an toàn giao thông toàn quốc vừa diễn ra, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý giao thông thay cho phương thức truyền thống, chuyển hẳn sang chủ yếu là phạt nguội, không để bộ máy cứ phình to, rải lực lượng trên đường, mà hiệu quả không cao.

Rõ ràng đang cần có những quy định pháp luật đồng bộ về phạt nguội, để người dân chấp hành tuyệt đối, người không chấp hành phải bị chế tài, nếu pháp luật không nghiêm minh thì công nghệ thông tin 4.0 cũng không giúp ích gì được.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chẳng lẽ công nghệ thông tin 4.0 cũng thua ?