Theo dõi trên

Chất vấn nhiều vấn đề "nóng"

09/11/2018, 09:05

BT- Thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri Bình Thuận được chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và đó đều là những vấn đề “nóng” cần giải quyết.

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận) có 5 nhà máy nhiệt điện than, khi cả 5 nhà máy này hoạt động thì khối lượng tro xỉ rất khổng lồ. Đây là nguy cơ ô nhiễm môi trường nên Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ đưa Điện lực Vĩnh Tân vào danh sách các dự án “giám sát đặc biệt về môi trường”.

Bình Thuận cũng kiến nghị Chính phủ cho xây dựng khu lấn biển để chứa tro xỉ và vật chất nạo vét; dùng xỉ than làm vật liệu đắp nền đường cao tốc. Tuyến cao tốc Bắc -Nam qua Bình Thuận có chiều dài 160 km, dự kiến thi công và hoàn thành vào năm 2021. Nếu đề xuất này được thực hiện thì vừa giảm giá thành, vừa giải quyết vấn đề môi trường tại địa phương. Nhưng để mở đường cho việc tận dụng tro xỉ làm hạ tầng giao thông và lấn biển, Bình Thuận đã 2 lần kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng và san lấp, nhưng đến nay chưa có hồi âm. Ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn: Đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết nguyên nhân sự chậm trễ này và bao giờ Bộ ban hành quy định nói trên?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời: Bộ Xây dựng dự kiến ban hành TCVN về tro xỉ nhiệt điện trong tháng 7/2018, tuy nhiên đây là vấn đề phức tạp, việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp cũng tiềm ẩn những yếu tố về môi trường khi sử dụng, nên Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Tài nguyên - Môi trường rất thận trọng trong thẩm định và đưa ra nhiều yêu cầu để Bộ Xây dựng đáp ứng nên quá trình này có sự kéo dài. Vì vậy ngày 28/9/2018 Bộ mới công bố tiêu chuẩn này, chậm hơn 2 tháng so với dự kiến. Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm sự chậm trễ này.

Tuy nhiên, do khối lượng tro xỉ tồn đọng đã lớn lắm rồi, không thể chờ đợi “hứa hẹn” thêm nữa, nên ĐBQH Huỳnh Thanh Cảnh “truy” tiếp: Bộ trưởng vừa cho biết đã công bố tiêu chuẩn tro xỉ làm vật liệu san lấp trong tháng 9, nhưng thực sự đến giờ (đầu tháng 11- NV) chúng tôi vẫn chưa nhận được công bố này. Đề nghị Bộ trưởng cho rà soát lại việc công bố tiêu chuẩn tro xỉ làm vật liệu san lấp, cũng như các quy chuẩn còn lại sẽ ban hành trong cuối năm nay và đầu năm sau? Thời gian cụ thể là như thế nào để địa phương triển khai thực hiện?

Tiếp đó, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) về tình trạng lãng phí sách giáo khoa. Đây là kiến nghị của nhiều cử tri Bình Thuận với các ĐBQH trước kỳ họp thứ 6 này. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận thực trạng sử dụng sách giáo khoa còn lãng phí, về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho biết đã ban hành Chỉ thị 3798 chỉ đạo các sở GD hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng, bảo quản sách giáo khoa và hướng dẫn học sinh hạn chế viết vào sách giáo khoa trong quá trình học tập.

Cũng trong phiên chất vấn vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Phúc (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn: Vì sao đến nay EU chưa gỡ thẻ vàng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam? Những thách thức gì chúng ta đang phải đối mặt? Chúng ta phải làm gì để gỡ được thẻ vàng này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam bị EU áp thẻ vàng từ ngày 23/10/2017, sau đó Thủ tướng CP ban hành chương trình hành động để gỡ thẻ vàng này với nhiều biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên vùng biển phía Nam vẫn còn một số vụ vi phạm, một phần ngư dân không tuân thủ việc khai báo, thủ tục này làm thay đổi hẳn một tập quán nên ngư dân chưa quen. Mặt khác cơ sở vật chất khu neo đậu, bến cảng vẫn chưa đáp ứng mục tiêu quản lý bền vững. Còn rất ít tàu đánh bắt xa bờ có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và còn ít ngư dân ghi chép nhật ký đánh bắt. Vì vậy việc kiểm soát đánh bắt hay truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều lỗ hổng.

   Vào tháng 5/2018, EU đã cử một đoàn cán bộ kỹ thuật sang Việt Nam giám sát, họ đã nêu 5 tồn tại mà Việt Nam cần khắc phục. Hiện EU đang cử đoàn gồm 7 nghị sĩ của Ủy ban Nghề cá nghị viện châu Âu sang Việt Nam làm việc và đã găp Thủ tướng CP. Phía bạn ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, đồng thời thừa nhận khắc phục 5 tồn tại trên cần một quá trình, bởi khó thay đổi thói quen của một triệu lao động biển, 109.000 tàu thuyền, hay chuyển đổi cơ sở vật chất cũng không thể nhanh được.

Nói tóm lại là cần có thời gian, bao giờ EU rút thẻ vàng thì phải chờ vào nỗ lực cụ thể của chúng ta, Bộ trưởng khẳng định. Được biết theo Luật Thủy sản mới (có hiệu lực từ 1/1/2019) chế tài xử phạt sẽ tăng nặng, với hành vi khai thác bất hợp pháp mức phạt cá nhân tới 1 tỷ đồng, tổ chức tới 2 tỷ đồng.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng là một vấn đề “nóng” mà cử tri Bình Thuận gửi tới kỳ họp này. ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về tình trạng này, đề nghị Thủ tướng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp đột phá giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.                     

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chất vấn nhiều vấn đề "nóng"