Theo dõi trên

Chủ động phòng chống cháy, nổ

01/09/2016, 09:09 - Lượt đọc: 24

BT- Cháy, nổ là một thảm họa đối với con người, xã hội và môi trường, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà cao tầng, chợ, khu công nghiệp, phương tiện giao thông và cháy rừng. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 1.506 vụ cháy, làm 31 người tử vong, 181 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 830 tỷ đồng. Tình hình cháy, nổ ở Bình Thuận cũng hết sức phức tạp, gần đây nhất đã xảy ra 2 vụ cháy nổ gây rúng động dư luận là vụ va chạm giữa 2 xe khách, 1 xe tải vào ngày 22/5/2016, trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) làm...

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do công tác quản lý và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, hạn hán, hanh khô kéo dài ở nhiều vùng còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn sẽ tác động lớn đến tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh; đặt ra cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhiệm vụ rất nặng nề.

Để nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, gần đây, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có các chỉ thị, chương trình hành động nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của chính quyền đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Yêu cầu trước hết là các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở phải xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng ngày; việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng chống cháy, nổ. Mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo chí, phát thanh, truyền hình, phát hành cẩm nang, tờ rơi đến từng hộ gia đình, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, nổ.

Công tác phòng cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ phải lấy phòng ngừa là chính; xem công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng; gắn với xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy. Có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với những người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

 Nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, nhất là phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa công an với quân đội trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với các chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, rừng; khắc phục dứt điểm vi phạm, sơ hở về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Hồng Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động phòng chống cháy, nổ