Theo dõi trên

Chú trọng phát triển cả số lượng lẫn chất lượng

16/03/2017, 08:13

BT- Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). Những năm gần đây, hoạt động của doanh nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo...

Cùng với cả nước, doanh nghiệp Bình Thuận cũng có sự phát triển khá, có sự đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP và tăng thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên so với tình hình chung của các tỉnh, thành trong khu vực và yêu cầu đặt ra thì vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém cả về số lượng lẫn chất lượng. Về số lượng, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 3,21 vạn doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ chiếm khoảng 0,64% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Về chất lượng, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ (vốn bình quân 1 doanh nghiệp chỉ khoảng 9,4 tỷ đồng); số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ (2016) chiếm gần 40%, dẫn đến số doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể nhiều (trên 200 doanh nghiệp trong năm 2016)…

Như trên đã nói, doanh nghiệp là động lực tăng trưởng kinh tế, trực tiếp tác động đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Do vậy muốn tỉnh nhà phát triển kinh tế nhanh hơn, chất lượng tăng trưởng kinh tế tốt hơn, bền vững hơn thì một trong những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện là phát triển doanh nghiệp cả về số lượng cùng với nâng cao chất lượng. Để có sự phát triển về số lượng doanh nghiệp, về quyết tâm chính trị, thiết nghĩ tỉnh phải ghi vào nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển số lượng doanh nghiệp trung hạn (có thể đến năm 2020) và hàng năm để làm mục tiêu phấn đấu.

 Hiện nay số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động còn rất lớn, với trên 3,27 vạn, chiếm trên 51% tổng số doanh nghiệp. Tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương có liên quan tiến hành khảo sát đánh giá, tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng có đăng ký mà không hoạt động để từ đó có hướng tháo gỡ, hỗ trợ do doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu làm tốt vấn đề này, những năm tới nếu tỉnh có thêm được 1 - 2 vạn doanh nghiệp đi vào hoạt động sẽ nâng số doanh nghiệp lên đáng kể.  Một nguồn cũng hết sức quan trọng để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp là cần khuyến khích và tích cực vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 60 vạn hộ kinh doanh cá thể, trong đó có nhiều hộ sử dụng trên 10 lao động, đủ điều kiện để chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Để các hộ kinh doanh cá thể không bị bỡ ngỡ, lúng túng khi chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là Luật Doanh nghiệp cho người dân. Cùng với đó, tỉnh cần rà soát các thủ tục thành lập doanh nghiệp, các chính sách về thuế, bảo hiểm, lao động... để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng cần chuyển đổi. Qua đó, giúp các hộ kinh doanh cá thể yên tâm chuyển đổi mô hình kinh doanh vốn đã quen thuộc từ lâu sang mô hình hoàn toàn mới, có tính chuyên nghiệp cao.

Về nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, có rất nhiều việc phải làm. Sắp tới Tỉnh ủy sẽ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 “về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” với những chủ trương giải pháp cụ thể, thiết thực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Vấn đề quan trọng là tập trung các nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo cơ chế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, liên kết theo chuỗi giá trị và cụm liên kết có giá trị gia tăng cao. Ngoài các biện pháp như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mặt bằng, nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật... cần xây dựng các chương trình, mục tiêu trọng điểm để trợ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đây đang là khâu yếu của doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay.

LÊ VĂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chú trọng phát triển cả số lượng lẫn chất lượng