Theo dõi trên

Chuyện ở La Dạ

15/09/2017, 08:23

1.  Sau 8 năm cầm cự, cuối cùng UBND tỉnh phải quyết định giải thể cơ sở dệt thổ cẩm La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), giao cho xã bố trí làm nơi làm việc của Mặt trận xã.

Các sản phẩm thổ cẩm giàu họa tiết của đồng bào dân tộc như: váy, áo, khăn quàng, khăn bàn, túi, ví, chăn, gối… vốn là những món quà lưu niệm rất được ưa chuộng đối với du khách khi đi du lịch đến vùng cao.

Tháng 12/2005, UBND tỉnh công nhận làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ. Tháng 6/2008 tỉnh Bình Thuận đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng cơ sở dệt thổ cẩm xã La Dạ (với diện tích 7.700m2) nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con dân tộc thiểu số, đồng thời bảo tồn phát triển nghề truyền thống, gắn với phục vụ hoạt động du lịch.

 Sau 1 năm xây dựng, đến tháng 7/2009 làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến năm 2013, làng nghề này đã mở được 4 lớp học nghề dệt thổ cẩm cho bà con trong vùng.

Nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra không thích nghi được với thị trường, nên hàng thổ cẩm La Dạ  khó tiêu thụ. Cũng có một số doanh nghiệp đến cơ sở xem sản phẩm rồi bỏ đi không quay lại...

Ước mong đổi đời từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của những phụ nữ dân tộc thiểu số ở La Dạ đã không thành. Thêm một sản phẩm dệt truyền thống mai một đi trước sức cạnh tranh của các sản phẩm dệt công nghiệp.

2. Mùa này giá chuối già lùn ở La Dạ tụt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg mà vẫn không bán được, bà con đành đem về cho gà, vịt, heo ăn, hoặc bỏ mặc chín rục trên cây cho chim rỉa. Cả nông dân lẫn cán bộ xã đều ngơ ngác, chẳng hiểu vì sao chuối già lùn thơm, ngọt như thế mà không bán được?

Chuối chín không bán được để nguyên trên cây

Cuối năm 2014, giống chuối già lùn cấy mô được trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ KHKT Bình Thuận đưa lên xã La Dạ. Ưu điểm vượt trội của giống chuối này là ra hoa đồng loạt, chất lượng đồng đều, thu hoạch đồng loạt, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào La Dạ.

Theo dự án tính toán: với giá bán là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập bình quân cho nông dân La Dạ 53 triệu đồng/ha trồng chuối.

Nhiều hộ ở La Dạ phát triển giống chuối này với diện tích khoảng 5 ha. Năm trước thương lái đến thu mua tại vườn giá khoảng 3-4 ngàn đồng/kg, các hộ trồng chuối thu nhập tạm ổn. Năm nay “đầu ra” có vẻ bi đát, nhiều bà con bỏ mặc vườn chuối không chăm sóc nữa.

Cuối năm 2015, báo Bình Thuận có bài “Chuối già lùn không có đầu ra”. Lúc ấy có ý kiến cho rằng: không nên quá lo lắng, vạn sự khởi đầu nan, mô hình trồng chuối già lùn mới mẻ ở La Dạ, người tiêu dùng chưa quen thuộc với sản phẩm này, chính quyền địa phương cần tích cực giúp bà con quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng từ đó đến nay, có vẻ “đầu ra” chuối già lùn vẫn chưa được khơi thông.

Xã vùng cao La Dạ, nơi có đông bà con dân tộc K’ho, Tày, Mường, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên các dự án trên là cơ hội thoát nghèo cho bà con. Tiếc rằng vốn, kỹ thuật, KHCN đủ cả, chỉ “đầu ra” sản phẩm vẫn tắc. Đúng là chuyện xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất gian nan, trao “cần câu”, chỉ “cách câu”, nhiều khi phải giúp luôn “bán cá” mới thành công.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
La Gi: Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi xác định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt và có tính quyết định.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ở La Dạ