Theo dõi trên

Có lợi sao không làm?

18/07/2019, 08:49

BT- Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa nền hành chính là 1 trong 6 nhiệm vụ hết sức quan trọng trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là khi chúng ta đang tiếp cận và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. DVCTT có 4 mức độ, trong đó, mức độ 3 và 4 được thực hiện trên môi trường mạng. Ở mức độ 3, người sử dụng có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; với mức độ 4, người sử dụng có thể thực hiện thanh toán lệ phí trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Như vậy, với DVCTT mức độ 4, tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính mà hoàn toàn không phải đến cơ quan nhà nước. Đây là bước nhảy vọt về CCHC, giảm thiểu tối đa thời gian, công sức của người dân và chính quyền trong việc giải quyết các TTHC. Đồng thời giảm sự trì trệ, quan liêu của một bộ phận công chức nhà nước, tránh tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.

Tại Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định 2618 (ngày 28/8/2018) ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 triển khai trong năm 2018 - 2019 với tổng cộng 286 dịch vụ; trong đó 216 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 70 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Mặc dù đã có sự chỉ đạo của UBND tỉnh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhưng việc áp dụng DVCTT mức độ 3, 4 của công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ số lượng TTHC và tỷ lệ số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 có tần suất phát sinh hồ sơ thấp so với quy định của Chính phủ. Trong năm 2018 có 84/453 TTHC phát sinh hồ sơ, tỷ lệ 18,5% (dưới 60% so tiêu chí quy định); có 255/16.760 hồ sơ nhận mức độ 3, tỷ lệ 1,5% (dưới 20% so quy định); có 826/5.941 hồ sơ nhận mức độ 4, tỷ lệ 13,9% (dưới 30% so tiêu chí quy định). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh năm 2018 đạt thấp, đứng thứ 42/63 tỉnh thành, giảm 14 bậc so năm 2017.

Rõ ràng việc thực hiện DVCTT đưa lại nhiều lợi ích cho cả 2 phía, nhưng vì sao có lợi mà không làm hoặc là rất ít? Câu trả lời là người dân, doanh nghiệp chưa hiểu biết nhiều về DVCTT mức độ 3, 4. Vì vậy, để đẩy mạnh việc thực hiện DVCTT mức độ 3,4 trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và sự thuận tiện của DVCTT mức độ 3, 4 thông qua các hình thức tuyên truyền trực quan; thông qua các tin bài, phóng sự được đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phổ biến, hướng dẫn người dân, tổ chức truy cập, nộp hồ sơ qua DVCTT. Các bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phải thực hiện trực tuyến trên mạng, không nhận hồ sơ trực tiếp hoặc theo đường công văn.

Tiếp tục xây dựng các quy định về chuẩn hóa thông tin đầu vào, đầu ra, chuẩn hóa các chỉ số báo cáo, thống kê… trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước theo tiêu chuẩn chung phục vụ các hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT. Chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiến hành tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 liên quan đến các thủ tục hành chính triển khai tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa.

Triển khai quy chế quản lý, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh. Đưa các tiêu chí về cung cấp dịch vụ công trực tuyến vào xét thi đua ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính hàng năm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về chất lượng cung cấp, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến của từng đơn vị phát sinh trên hệ thống và chất lượng, số lượng hồ sơ phát sinh qua dịch vụ bưu chính công ích. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc ứng dụng và phát triển CNTT tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về CNTT.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có lợi sao không làm?