Có nên phát động học sinh góp ti
Có nên phát
động học sinh góp tiền ủng hộ?
BTO- Những
ngày này, tại các trường học ở cả 3 cấp (tiểu học, THCS và THPT) đang tổ chức
phát động phong trào học sinh ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ
lụt, thiên tai. Có trường tiểu học chỉ trong 1 tuần phát động số tiền thu được
gần 10 triệu đồng. Trường THCS và THPT lại gấp 2 - 3 lần số tiền ấy. Việc kêu
gọi học sinh trong trường học quyên góp, ủng hộ cũng đã trở thành phong trào từ
thiện ở nhiều trường học hiện nay. Mỗi khi có học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn,
ngặt nghèo hay vùng quê nào đó bị thiên tai, bão lũ thì phong trào này lại phát
huy tác dụng. Số tiền gom góp từ sự chung tay ấy đã giúp nhiều mảnh đời bất hạnh
bớt đi phần nào sự khốn khổ.
Dù thế,
bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ việc làm này ý nghĩa, nhân văn thì vẫn
còn không ít ý kiến cho rằng học sinh đã làm gì ra tiền để ủng hộ? Rốt cuộc phụ
huynh cũng phải “móc hầu bao” trong khi ba, mẹ các em đã đóng góp tại cơ quan và
cả khu phố.
Trước những
ý kiến trái chiều, theo bạn có nên kêu gọi học sinh trong việc quyên góp ủng hộ
hay không?
Trước
những hoàn cảnh khó khăn của bạn bè hay như cảnh tang thương của những người dân
miền Trung vừa qua, việc kêu gọi học sinh chung tay ủng hộ trên tinh thần của ít
lòng nhiều là vô cùng cần thiết. Thông qua việc ủng hộ dù ít hay nhiều, học sinh
sẽ học được bài học về tình tương thân tương ái, về trách nhiệm của mỗi cá nhân
đối với cộng đồng. Việc làm này còn nuôi dưỡng các em tinh thần biết sống vì
người khác, có thể bản thân một chút thiệt thòi, nhưng sẽ có được tiếng cười của
những người thiếu may mắn. Chẳng bài học nào hiệu quả hơn bài học từ sự trải
nghiệm thực tế của chính các em.
Rõ ràng,
kêu gọi học sinh ủng hộ tiền như chúng tôi đã phân tích ở trên là hoàn toàn phù
hợp, thế nhưng đừng thi đua lớp nhiều, lớp ít
Hiện vẫn
còn không ít trường học đưa việc ủng hộ bằng tiền như thế này vào hoạt động
phong trào để chấm điểm các lớp. Điều này, đã tạo ra sự áp lực cho không ít giáo
viên chủ nhiệm. Trước áp lực thi đua, không ít thầy cô đã thúc ép học sinh phải
ủng hộ dù bản thân họ không muốn thúc ép các em. Có giáo viên lại tuyên dương
học sinh nộp nhiều tiền để tạo ra sự cạnh tranh trong một lớp, để rồi những đứa
trẻ chỉ biết về nhà đòi ba, mẹ phải cho thật nhiều tiền lên nộp, với quyết tâm
mình sẽ được tuyên dương giống bạn.
Có thầy cô
nói rằng, nhà trường ghi tên từng lớp nộp bao nhiêu tiền nếu lớp mình được ít
quá thì cũng thấy ngại nên càng phải cố công vận động học sinh thật nhiều. Ủng
hộ từ thiện mà theo hình thức thi đua sẽ không còn sự tự nguyện đúng nghĩa.
Vậy làm gì
để giáo viên và học sinh không bị áp lực mỗi khi thực hiện phong trào ủng hộ?
Thứ nhất,
phát động việc ủng hộ quyên góp dưới cờ và để thùng quyên góp ở sân trường. Học
sinh sẽ tự động bỏ tiền mình muốn ủng hộ vào đấy. Thứ hai, không yêu cầu các em
ghi tên lớp, tên mình. Thứ ba, sau một tuần tổ chức quyên góp, nhà trường sẽ mở
thùng thống kê và công bố số tiền thu được trước toàn trường. Với cách làm này,
vừa không tạo áp lực cho các lớp, mà cụ thể cho giáo viên và học sinh. Đồng thời
sẽ dạy cho các em cách làm từ thiện bằng cái tâm của mình chứ không phải làm vì
thành tích nào đó.
Phan Tuyết