Theo dõi trên

Có nên xây dựng các resort sát biển?

23/11/2018, 14:26 - Lượt đọc: 972

BT- Đi dọc bờ biển miền Trung có thể thấy rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort được xây dựng sát biển. Các tỉnh miền Trung đều quy hoạch các khu du lịch ven biển và kêu gọi đầu tư, nên có nơi mật độ resort dày đặc, san sát, đến nỗi đi sát bờ biển mà không thể nhìn thấy biển. Dư luận phàn nàn về việc chia lô ven biển xây dựng các resort, khu nghỉ dưỡng đã "băm nát" bờ biển, làm không gian chung của cộng đồng bị thu hẹp, các bãi tắm công cộng biến mất, nhiều làng chài cũng phải di dời. Tình trạng "cát cứ" bãi biển làm của riêng, rào chắn đường xuống biển, khiến người dân không được tự do xuống biển, hay đi lại trên bãi biển nữa.

Sạt lở bờ biển ở Hàm Tiến

Chưa kể nhiều rừng dương chắn sóng, chắn gió, góp phần bảo vệ bờ biển không bị xâm thực, cũng dần biến mất, thay thế bằng các công trình xây dựng.

Nhưng biến đổi khí hậu làm cho tình hình sạt lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đang chứng tỏ việc xây dựng các khu du lịch sát biển là một sai lầm phải trả giá. Dải duyên hải miền Trung từ Nghệ An - Bình Thuận gồm 13 tỉnh, thành, chiều dài bờ biển 1.649 km, nhưng có đến 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài 120 km (trong đó có 48 điểm cấp bách). Ở Bình Thuận, những điểm sạt lở cấp bách nhất ở huyện Tuy Phong, TP. Phan Thiết, thị xã La Gi.

Ở TP. Phan Thiết, sạt lở bờ biển không chỉ đe dọa nhiều khu dân cư, cuốn trôi nhiều nhà cửa, ruộng vườn của dân xuống biển, mà đe dọa cả "thủ đô resort" Hàm Tiến-Mũi Né. Nhiều khu du lịch đang phải chật vật tự xoay sở làm đê, kè chống đỡ, giảm thiệt hại. Vào mùa bấc thổi mạnh, hàng chục khu du lịch ở đây bị xâm thực dữ dội sâu vào đất liền. Nhiều đoạn kè biển do các cơ sở tự làm cũng bị đứt gãy tan nát. Các hạng mục sát biển như tường thành, nhà cửa, hồ bơi, nhà hàng... bị sóng lớn, triều cường tấn công. Trên bãi biển ngổn ngang những mảng bê tông cốt thép bị sóng đánh tan hoang.

Bãi biển nổi tiếng của Mũi Né bị xâm thực, xuống cấp. Nhiều khu vực bãi biển dài, rộng, thơ mộng biến mất, thay bằng lớp lớp bao cát, cây cọc, tăng bạt, kè mềm để gia cố, chằng chống, cảnh nhếch nhác làm du khách thất vọng và các cơ sở du lịch thêm khó khăn.

Tự cứu mình trước khi trời cứu, một số cơ sở tự phát xây kè mềm để che chắn, nhưng lại gây xói lở nghiêm trọng hơn cho các cơ sở lân cận. Nhìn chung trong cuộc chiến không cân sức giữa con người với thiên tai, mọi công sức vẫn như "muối bỏ biển", "dã tràng se cát".

Hầu hết các cơ sở du lịch có bờ biển bị sạt lở đều yêu cầu Nhà nước hỗ trợ, nhưng mọi ưu tiên của Nhà nước đang tập trung vào bảo vệ tính mạng - tài sản của dân ở các khu dân cư bị xâm thực mạnh, trong đó có xây dựng các khu tái định cư để di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Không chỉ Phan Thiết, ở TP. Hội An (Quảng Nam) những năm gần đây biển xâm thực sâu vào đất liền (có nơi đến 200 m) đến sát các công trình khu nghỉ dưỡng đã và đang xây dựng. Các doanh nghiệp phải tự xoay sở kinh phí làm đê kè ngăn sóng biển nhưng không ăn thua. Nhiều nhà đầu tư nản lòng, ngừng thi công bỏ dở công trình đang xây dựng.

Bình Thuận cùng nhiều tỉnh miền Trung đã nhiều lần kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây dựng kè chống sạt lở bờ biển. Tin mới là Chính phủ vừa đồng ý sẽ trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ 13 tỉnh, thành xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển. Nhưng số điểm sạt lở cấp bách thì nhiều mà ngân sách thì eo hẹp, nên Chính phủ kêu gọi huy động "xã hội hóa", có nghĩa các doanh nghiệp phải đóng góp kinh phí xây dựng đê kè biển kiên cố, cứu lấy tài sản, cơ nghiệp của mình.

Dự báo thời gian tới, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu toàn cầu khiến nước biển tiếp tục dâng cao, biển ngày càng xâm thực sâu vào đất liền... Điều này đặt ra cho các nhà quy hoạch cũng như các nhà đầu tư một vấn đề rất thực tế: Có nên bỏ hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình sát biển để rồi phải trả giá?

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên xây dựng các resort sát biển?