Theo dõi trên

Có những nhà báo vô cảm

17/06/2016, 08:24

BT- Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày 22/5 trên quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã làm cả nước rúng động. Người ta ước tính có trên 200 tin bài đăng tải trên hệ thống báo mạng và internet, hàng trăm tin bài khác đăng trên các tờ báo, trang tin điện tử, phản ánh vụ tai nạn nghiêm trọng này.

Sự vào cuộc nhanh nhạy, kịp thời của báo chí, đã đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, góp phần buộc Bộ Giao thông Vận tải phải lập tức tiến hành mở rộng lòng đường, lắp dải phân cách trên tuyến quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam, để hạn chế tai nạn đối đầu thương tâm.

Nhưng trong lúc tác nghiệp, vì nôn nóng muốn có ngay tin bài ảnh nóng hổi gởi về tòa soạn (cạnh tranh thông tin), một số phóng viên các báo đã vô tình quên đi tâm trạng đang hoảng loạn, sự đau đớn, nhức nhối cả về thể xác và tâm hồn của những nạn nhân vừa may mắn thoát chết. Sự vô tâm của một số nhà báo đã gây nên sự phản cảm cho những người chứng kiến, nhất là tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận (nơi đang cấp cứu những người bị thương). Những nạn nhân chưa đủ đau đớn hay sao mà còn chĩa ống kính, máy ghi âm vào họ? “Bệnh nghề nghiệp” hay là nhà báo vô cảm?

Chưa hết, một số tờ báo còn khai thác quá chi tiết vụ việc đau lòng này, giật tít quá phản cảm, để làm gì chắc mọi người đều biết.

Dư luận từng bức xúc vì ngay cả đám tang một người nổi tiếng cũng thành cơ hội “câu view” của một số phóng viên. Họ chen lấn, xô đẩy nhau, cố kiếm được bức ảnh “độc”, nhặt nhạnh được vài câu chuyện “đắt” bên lề, mặc kệ tang lễ bi ai, nghiêm trang đang diễn ra. Thú thật nhìn cảnh ấy, không ít nhà báo cũng phải lắc đầu, thở dài ngao ngán.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà gần đây dư luận xã hội nói nhiều đến đạo đức nghề báo, cái “tâm” của nhà báo khi tác nghiệp. Thời buổi bùng nổ thông tin, mạng xã hội lan truyền như vũ bão, gần như không thể kiểm chứng được thông tin, thì trách nhiệm của tờ báo, của nhà báo trong việc đưa tin trung thực, chính xác, khách quan để định hướng dư luận là vô cùng quan trọng.

Tháng 4 vừa qua, trong lúc hàng ngàn nông hộ miền Tây háo hức bước vào thu hoạch vụ xoài, thì một tờ báo đưa tin nông dân sử dụng túi Đài Loan có độc để bao trái xoài, làm cho xoài đổi màu… Một số tờ báo và trang tin điện tử khác chộp lấy tin này, thêm ít “mắm muối” vào để đăng lại. Đúng là “báo đời”, “báo hại”, thông tin thất thiệt này lập tức làm giá xoài cát chu loại 1 đang từ 30.000 đồng/kg rớt xuống 15.000 đồng/kg mà vẫn không bán được, khiến nông dân điêu đứng.

“Ngòi bút có độc”, thậm chí rất độc, rất hiểm ác. Một thông tin thất thiệt có sức tàn phá hơn một trận bão lũ, thiệt hại không thể đo đếm. Những tin tức giật gân, câu khách kiểu như: “Ăn bưởi bị ung thư”, thương lái nhúng mít, sầu riêng vào dung dịch “lạ”, dùng chổi quét rau giả bị sâu ăn… làm nhiều người khốn cùng vì nó. Thông tin nhảm – độc – hại nguy hiểm không kém nạn thực phẩm bẩn đang bủa vây, đầu độc giống nòi ta.

Thật lạ, có những nhà báo, tờ báo luôn hăng hái đi đầu khai thác tới tận cùng, triệt để các vụ án giết người ly kỳ, rùng rợn, tường thuật tỉ mỉ, mô tả chi tiết các vụ án hiếp dâm, loạn luân… nhưng lại không dám nói đúng, nói thẳng, không dám đi đến tận cùng một sự thật khi người dân khẩn cầu. Họ lẩn tránh, thậm chí tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, quỵ lụy, nịnh bợ trước tiền bạc, quyền lực để kiếm chút danh lợi. Chẳng ngẫu nhiên mà báo giới Việt Nam gần đây có giải “kền kền”, để chỉ đích danh các bài báo, nhà báo “sốc, sex, sến” đang “làm rầu” làng báo.

30 năm đổi mới, báo chí phát triển mạnh mẽ đã góp phần nâng cao dân trí, phát triển xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân. Nhưng sự xuất hiện một xu hướng báo chí chạy theo thương mại, đưa tin giật gân, câu khách, bỏ qua các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, bất chấp nguyên tắc đưa tin khách quan, trung thực, chính xác của báo chí, là rất đáng lo ngại.

Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) năm nay là dịp để những người cầm bút ôn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam: “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?”. Câu hỏi ấy còn là sự trăn trở và lương tâm của những người cầm bút.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có những nhà báo vô cảm