Theo dõi trên

“Con cá” và “cần câu”

25/08/2016, 11:14 - Lượt đọc: 56

BTO- “Mong nhà nước cho gia đình được tiếp tục vay vốn Nghị định 67 một lần nữa, đóng một con tàu mới để có cơ hội làm ăn và còn có cái để mà trả nợ”.

Indonesia liên tiếp đánh đắm, phá hủy các tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải đánh bắt trái phép

Nghe những lời tâm sự ấy của bà K. (trú tại khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi) chủ chiếc tàu Bth 979… vừa bị phía Indonesia bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải hôm 24/7 vừa qua, nhiều người thấy vừa thương vừa giận. Tàu của bà K. công suất 500CV, trị giá 6 tỷ đồng, mới đóng năm ngoái từ vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Hiện bà K. đang phải trả nợ cả gốc và lãi mỗi tháng 40 triệu đồng. Nay cả tàu và lao động đều bị Indonesia giam giữ, bà K. lấy gì trả nợ cả gốc và lãi cho ngân hàng?

Bà K. không phải trường hợp duy nhất. Ngày 3/4/2016 tàu cá Bth 977… công suất 405CV, cũng là “tàu 67” mới hạ thủy hồi cuối năm ngoái, của ông Đ. trú tại xã Long Hải, Phú Quý  đã bị phía Malaysia  bắt giữ khi vào vùng biển nước bạn đánh bắt trái phép. May mắn cho ông Đ. là 2 ngày sau tàu này được Malaysia phóng thích cho về nước.

Trở lại với yêu cầu của bà K. ở La Gi. Tôi cho rằng dù rất thông cảm với hoàn cảnh của bà, nhưng chắc chẳng có ngân hàng nào dám cho bà vay vốn đóng “tàu 67” một lần nữa. Xâm phạm lãnh hải nước bạn đánh bắt trộm hải sản từ lâu đã được khuyến cáo là canh bạc may ít, rủi nhiều. Mà tiền của nhà nước thì không thể cho dân mượn đi “đánh bạc” được. Chỉ cầu mong tàu của bà cùng hàng chục lao động được Indonesia phóng thích cho về nước, chứ không bị đánh đắm, phá hủy như hầu hết tàu cá bị bắt giữ trước đó.

Bình Thuận đang dẫn đầu cả nước về đóng mới “tàu 67” với 36 chiếc đã hạ thủy ở Phan Thiết, La Gi, Phú Quý. Nghị định 67 đang giúp bà con ngư dân thêm động lực bám biển, trong điều kiện nghề cá gặp vô vàn khó khăn. Nhưng trường hợp một số “tàu 67” bị nước ngoài bắt giữ vì đánh bắt trái phép là sự cảnh báo các địa phương cần quản lý, giám sát chặt hơn vốn 67, tăng cường tuyên truyền khuyến cáo các chủ “tàu 67” tuyệt đối không tham gia đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Từ chuyện “tàu 67” tôi liên tưởng tới chuyện bán đất, bán bò 04 đã từng xảy ra. Nghị quyết 04 đã giúp rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo một cách bền vững, vươn lên khá giả. Tiếc rằng còn nhiều bà con tự ý bán đất, bán bò được cấp, lấy tiền tiêu xài. Người này bán được thì người khác làm theo, dẫn tới tình trạng hàng trăm hộ tái nghèo, tái thiếu đất sản xuất. Chính quyền bó tay vì không thể buộc người bán trả lại tiền cho người mua, thu hồi lại đất, bò 04 (vì tiền đã tiêu hết). Càng không có chuyện bỏ tiền ra khai hoang, cấp đất một lần nữa, như bà con yêu cầu.

Cấp đất, cấp bò, hay cho vay vốn đóng tàu, đều là các cách nhà nước giúp chiếc “cần câu” để bà con tự đi “câu cá” mà ăn lâu dài. Bà con đừng vì ham hố “con cá” trước mắt mà để mất “cần câu cơm” của gia đình mình.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Con cá” và “cần câu”