Theo dõi trên

Đã là cán bộ, công chức thì tài sản phải minh bạch

12/04/2018, 14:49

BTO- Liên quan đến vấn đề tài sản tham nhũng, mới đây bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội đặt vấn đề, về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội” (nguồn dân trí).

Về mặt pháp lý đúng là như vậy, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng là suy đoán theo hướng vô tội đối với hành vi của các bị can, đó là nguyên tắc nhân đạo và tính khoa học.

Nhưng về vấn đề tài sản của cán bộ, công chức thì lại là một vấn đề khác. Nó không chỉ liên quan đến pháp luật mà còn là tính trung thực, sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo. Để tránh người dân hiểu sai, nghi ngờ về mình ở mọi phương diện trong đời sống thường nhật thì người cán bộ phải trung thực, minh bạch.

Khi cán bộ đương chức hay  về hưu có tài sản “khủng” mà không chứng minh được nguồn gốc thì làm sao người dân tin người đó trong sạch, không tham nhũng. Trong nhiều trường hợp, cán bộ khi còn làm việc thì sống rất giản dị nhưng khi về hưu lại sống rất xa hoa, xây biệt phủ, đi xe xịn khiến người dân mất niềm tin.

 Theo tôi nghĩ, đã là tài sản từ nguồn thu nhập chính đáng thì chẳng việc gì phải giấu giếm cả trừ khi là đó là tài sản từ nguồn thu nhập bất minh nào đó.

Tôi đưa ra một ví dụ thế này, một chủ tịch xã, cha mẹ nghèo, nhà cấp 4, ruộng đất không có, vợ làm nông, thu nhập chính chỉ là lương. Nhưng qua một nhiệm kỳ chủ tịch, xây biệt thự, mua đất đai, mua xe. Trong khi không làm gì thêm cũng không trúng số hay ai cho biếu tặng tài sản. Vậy số tài sản đó có bị xem là do tham nhũng mà có không ?

Trong trường hợp này nếu suy đoán theo hướng vô tội, vậy tiền đâu ? Tiền không bao giờ từ trên trời rơi xuống.

Một cán bộ, công chức nhà nước khi bị nghi ngờ về nguồn gốc tài sản nhưng không giải trình được, mà nói không có vấn đề thì sao thuyết phục ? Tuy Pháp luật không buộc chứng minh nguồn tiền mua tài sản, nhưng khi anh đã là cán bộ, công chức thì lại khác. Anh làm việc công, ăn lương ngân sách, phục vụ người dân thì vấn đề tài sản của anh phải minh bạch.

Buôn chổi đót, nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm, đánh giày…đó là những lời giải thích cho khối tài sản hàng chục tỷ của một số quan chức. Liệu người dân có tin ?

Một đề xuất vừa được Chính phủ đưa ra đó là quy định thu thuế thu nhập cá nhân (mức thuế 45%) với những tài sản, thu nhập mà cán bộ không giải trình được. Nhiều người băn khoăn, làm như thế liệu có khác nào hợp thức hoá tài sản tham nhũng ?

Làm giàu là nhu cầu  tự nhiên và là ước mơ chính đáng của con người. Không ai cấm cán bộ công chức nhà nước làm giàu, nhưng phải chính đáng và minh bạch.

Nói đi cũng phải nói lại, ngày  nay kinh tế phát triển, cuộc sống thay đổi không thể bắt cán bộ sống trong nghèo mãi được, qua rồi thời kỳ anh cán bộ dép râu, nón cối. Nhưng với chế độ tiền lương còn nhiều bất cập như hiện nay, đôi khi có trường hợp không muốn tham nhũng cũng phải tham nhũng, không muốn nhận hối lộ nhưng vì hoàn cảnh đành phải nhận.

Như chúng ta đã biết, hiện nay tham nhũng đã và đang trở thành vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân. Nhưng muốn thành công phải cần có các giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp đó là phải cải cách tiền lương, bảo đảm cán bộ công chức không những nuôi sống bản thân, gia đình bằng lương mà còn có tích luỹ. Quản lý chặt tài sản, xử lý nghiêm và nặng những trường hợp tham nhũng. Có vậy mới hạn chế thấp nhất nạn tham nhũng, còn không thì rất khó.

Xuân Hùng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã là cán bộ, công chức thì tài sản phải minh bạch