Theo dõi trên

"Đại bàng" và "chim sẻ"

20/09/2019, 14:03

BT- Cứ 2 năm 1 lần, Bình Thuận tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, mời gọi các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào ngày 22/9 tới đây càng có tầm quan trọng bởi dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Nhìn lại các tác động tích cực từ hội nghị đầu tư năm 2015 và 2017 tới nay, rất nhiều dự án đi vào hoạt động đã tạo ra nhiều việc làm, thu nhập, sinh kế cho nhân dân. Môi trường đầu tư kinh doanh cũng có nhiều cải thiện, trong 2 năm 2017 - 2018 Bình Thuận đã tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, năm 2018 đứng thứ 22/63 tỉnh, thành, mục tiêu tới là lọt vào top 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Năm 2019 Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động, tập trung cải cách theo hướng 3 giảm “giảm thời gian - giảm giấy tờ - giảm chi phí không chính thức” cho doanh nghiệp.

Đặc biệt từ sau sự kiện Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch Mũi Né thành khu du lịch quốc gia có tầm cỡ quốc tế (ngày 18/12/2018), hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có các tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam như FLC, Vingroup, TTC, Novaland... đã đến Bình Thuận triển khai nhiều dự án lớn, nhất là các tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng - giải trí. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế “tên tuổi” khác ở trong nước cũng đã hiện diện ở Bình Thuận với các dự án quy mô hàng ngàn tỷ đồng. Thị trường bất động sản ở Bình Thuận đang “nóng” lên với sự tham gia, cạnh tranh của nhiều “ông lớn”. Năm 2018 - 2019 cũng đánh dấu sự bùng nổ hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời, rất nhiều nhà máy vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã khánh thành hoặc đang xây dựng. Nhiều tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đến Bình Thuận với các dự án điện gió ngoài khơi quy mô hàng tỷ đô la. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 50 định hướng chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài của đất nước. Đây là một cơ hội tốt cho Bình Thuận thu hút FDI, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, dự án của các tập đoàn lớn, và kiên quyết từ chối các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang chuyển trọng tâm từ số lượng sang chọn lọc chất lượng, hiệu quả. 63 tỉnh, thành trong đó có Bình Thuận đều mong muốn thu hút được “đại bàng” tức là những tập đoàn kinh tế lớn, những dự án lớn, chứ không chỉ ríu rít một đàn “chim sẻ”, “chim sâu”. Nhưng nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Ao rộng, nước sâu thì mới nuôi được cá to, tổ ấm áp thì đại bàng mới ở”. Tiềm năng, lợi thế so sánh cộng với một môi trường đầu tư có khả năng cạnh tranh cao là tín hiệu tốt gọi “đại bàng” về. Còn nếu chỉ rải một ít “thóc” như: thuế, phí, đất đai, điều kiện kinh doanh ưu đãi, thì chỉ gọi được “chim sẻ”, “chim sâu”. "Chim sẻ" cũng tốt thôi, nhưng nếu “sẻ, sâu” chiếm hết thì còn chỗ nào cho “đại bàng”  làm tổ? Chưa kể trong dòng nhà đầu tư đổ bộ vào có thể xen lẫn những nhà đầu cơ, bao chiếm, găm giữ đất chờ sang tay.

Sau khi có Cảng biển quốc tế Vĩnh Tân (tháng 4/2019), các nhà đầu tư đang dõi theo tiến độ dự án sân bay và đường cao tốc. Các nhà đầu tư cũng mong chờ Bình Thuận tháo gỡ được “nút thắt” chồng lấn quy hoạch titan, bởi “đại bàng” cần nhất không gian thoáng đãng để tung đôi cánh rộng. Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương ngày 22/9 tới đây, là một cơ hội tốt tháo gỡ “nút thắt” này để khơi thông dòng vốn đầu tư vào Bình Thuận.

Rất nhiều kỳ vọng đang đặt vào Hội nghị Xúc tiến đầu tư này. 

Đ.D



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Đại bàng" và "chim sẻ"