Theo dõi trên

Để có rau, thịt an toàn cho mọi người

20/04/2016, 07:28

BT- Thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay là tác nhân dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam gia tăng chóng mặt. Theo Hiệp hội Ung thư Việt Nam, ước tính vào năm 2020, số mắc mới ung thư sẽ gần 200.000 ca, đưa Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.

Ung thư tăng nhanh có nhiều nguyên nhân, trong đó tác nhân từ thực phẩm bẩn đứng đầu, chiếm khoảng 35%. Không chỉ gây tỷ lệ ung thư cao, thực phẩm bẩn cũng là nguyên nhân dẫn tới 400 căn bệnh, chủ yếu là các bệnh tả, lỵ trực tràng, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm…

Mặc dù dư luận lên tiếng phản đối, tẩy chay và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp trong việc kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Người tiêu dùng rất bất bình lo ngại với thực phẩm bẩn khi người cung cấp thực phẩm sử dụng salbutamol tạo nạc cho lợn, cho gà ăn chất vàng ô; sản phẩm rau xanh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, hoa quả bị nhúng hóa chất ép chín, hay thịt, cá, đồ hộp chứa nhiều chất bảo quản…

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm nay diễn ra từ 15/4/2016 đến 15/5/2016 với chủ đề  “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 cần tập trung giải quyết vấn đề ATTP cơ bản từ gốc. Bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung đột phá, chuyển biến ở 4 lĩnh vực chính: chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ, phân bón khác.

Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP, tháng hành động năm 2016 còn là điểm nhấn trong năm, tạo lên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc tập thể và các bệnh truyền qua đường thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn nói chung và rau, thịt nói riêng. Các cơ quan truyền thông, báo, đài phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế bảo quản và tiêu dùng rau, thịt an toàn; nói không với chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến rau, thịt. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm ATTP.

Cùng với các cơ quan truyền thông, các cơ quan chức năng cần tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề về ATTP; các tiêu chuẩn, quy định điều kiện vệ sinh ATTP; tác hại của thực phẩm an toàn; giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; mở rộng diện tích trồng rau an toàn và tăng các khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung bảo đảm ATTP. Tuyên truyền, vận động nhân dân tẩy chay, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh  doanh sử dụng chất cấm, tiêu thụ, vận chuyển thực phẩm không an toàn đến các quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý. Phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin nhanh kết quả thanh kiểm tra về ATTP, công khai tên các cơ sở cung cấp rau, thịt không an toàn; biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP.

Đồng thời hoạt động  truyền thông, đẩy mạnh các  hoạt động thanh tra, kiểm tra. Cấp tỉnh, huyện thành lập các  đoàn liên ngành thanh, kiểm tra hoạt động của các huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn về việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong sản xuất kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, tập trung vào sản phẩm rau, thịt. Các vi phạm phát hiện qua kiểm tra phải được xử lý nghiêm, tuyệt đối không để thực phẩm là rau, thịt và sản phẩn chế biến rau thịt không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường. Áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm; tịch thu tang vật, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm ATTP. Cũng từ hoạt động thanh kiểm tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập yếu kém trong công tác quản lý nhà nước và qua đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, vấn đề được xem là khâu yếu lâu nay chưa khắc phục được.

HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để có rau, thịt an toàn cho mọi người