Theo dõi trên

Để hoạt động giám sát, phản biện chuyên sâu, bài bản

01/03/2016, 08:14

BT- Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, thông qua hoạt động phản biện xã hội, sẽ góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Chính vì tầm quan trọng của giám sát và phản biện xã hội, nhất là từ khi có Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét.

Trong năm 2015, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành giám sát UBND tỉnh về việc ban hành các chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện việc bồi thường thiệt hại về nhà ở cho một số hộ dân ở xã Vĩnh Tân bị ảnh hưởng do việc nổ mìn thi công Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4; giám sát Sở Giao thông vận tải về việc triển khai thực hiện giá cước bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, hành khách tại các cảng Phú Quý, Phan Thiết; giám sát Sở Tài nguyên và Môi trường về việc giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường tại thôn Ung Chiếm (Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc); giám sát Thanh tra tỉnh về việc giải quyết đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Hòa ở Hàm Thuận Nam.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng đã tổ chức nhiều cuộc giám sát khác như Hội Cựu chiến binh tỉnh giám sát Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về kết quả tham mưu giải quyết chế độ chính sách theo Quyết định 290, 62 của Thủ tướng Chính phủ; Hội Nông dân tỉnh giám sát UBND tỉnh về công tác đền bù, tái định cư liên quan đến việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A; Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát Sở Lao động, Thương bình và Xã hội về thực hiện công tác bảo đảm an toàn lao động năm 2015; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giám sát Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ về công tác bình đẳng giới; Tỉnh đoàn thanh niên giám sát Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Bình Thuận giai đoạn 2012 - 2020.

Cùng với tổ chức các cuộc giám sát, Mặt trận và đoàn thể tổ chức góp ý, phản biện báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp. Đã có 3.460 lượt ý kiến của đoàn viên, hội viên, nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII; có 1.959 lượt ý kiến góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII… 

Qua hoạt động giám sát và phản biện đã góp phần phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung việc triển khai việc giám sát, phản biện xã hội vẫn còn lúng túng, nhất là ở cấp huyện và cơ sở. Chất lượng giám sát và phản biện chưa cao. Thực tế cho thấy, việc thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội là một nội dung, cơ chế mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, do vậy quá trình thực hiện cần có sự nghiên cứu, chỉ đạo, kịp thời rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng chủ quan nóng vội, nhất là khi gặp phải các vấn đề bức xúc, nhạy cảm. Phải căn cứ vào những yêu cầu chung nhất, bức xúc của người dân để đi vào từng lĩnh vực cụ thể, chọn lựa vấn đề, nội dung, tầm ảnh hưởng để làm trước, tránh dàn trải. Muốn làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội thì phải biết huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là sự vào cuộc tích cực của các tổ chức thành viên. Cán bộ giám sát phản biện phải ngang tầm với nhiệm vụ, có tính chuyên sâu, có năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát và phản biện. Vì vậy, các cấp ủy Đảng cần quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có năng lực về làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; chú trọng cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị hoàn thành nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội và đưa hoạt động này vào cuộc sống, trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên và ngày càng chuyên sâu, bài bản.

Hồng Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để hoạt động giám sát, phản biện chuyên sâu, bài bản