Theo dõi trên

Để “Không còn nạn đói”

13/09/2018, 09:27

BT- Tháng 6/2012, tại Hội nghị Phát triển bền vững Rio +20 ở Brazil, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra sáng kiến “Không còn nạn đói”  liên quan đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ 2 (MDG 2) về đảm bảo an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo, nhằm bảo đảm phát triển bền vững hệ thống sản xuất, tăng năng suất sản xuất và thu nhập của các hộ nông dân nhỏ, dân cư có đủ lương thực, không còn trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng, không có thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990 -1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010 - 2012 và đã đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 2, hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015 và cơ bản giải quyết được tình trạng đói vào năm 2020. 

Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức là tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Bình Thuận tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tuy giảm xuống còn 8,8%, nhưng tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi khá cao với tỷ lệ  27,5%, tập trung ở nhóm tuổi 6 - 24 tháng tuổi.

Việt Nam cam kết tham gia và thực hiện nghiêm túc, triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói”. Mới đây (6/2018), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 với những mục tiêu đến năm 2025 thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với tổ chức Liên Hợp Quốc. Đến năm 2025, cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm; giảm suy dinh dưỡng trẻ em (dưới 2 tuổi) thể thấp còn dưới 20%, tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm xuống dưới 5%...

Nhằm triển khai chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Lao động TBXH chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn không còn thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Thực hiện lồng ghép các nội dung hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; có giải pháp huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện chương trình. Trong đó tập trung vào việc hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm kịp thời khi cần thiết, ưu tiên cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ tăng thu nhập cho người sản xuất nhỏ để tăng phúc lợi nông thôn và giảm nghèo bền vững trên cơ sở chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn, nhất là hộ nghèo về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi thông qua thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững để áp dụng vào sản xuất có hiệu quả nhằm tăng năng suất, cải thiện thu nhập của hộ gia đình.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để “Không còn nạn đói”