Theo dõi trên

Để mạnh về biển, giàu từ biển

14/06/2016, 08:17

 BT - Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải rộng 52.000 km2, dọc bờ biển, trên biển và hải đảo có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều cảnh quan đẹp là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển của tỉnh nhà.

 Sau hơn nửa chặng đường thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Bình Thuận đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, cơ cấu kinh tế biển từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Kinh tế thủy sản tiếp tục giữ vai trò chủ lực, giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản 2015 đạt 6.654 tỷ đồng, tăng 24% so năm 2010; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 122,27 triệu USD tăng 60,3% so với năm 2007, chiếm 40% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Du lịch ven biển và hải đảo phát triển nhanh, năm 2015 đón hơn 4,25 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 455 ngàn lượt, doanh thu đạt 7.641 tỷ đồng, tăng bình quân trên 25%/ năm. Các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là tiềm năng dầu khí trên vùng biển của tỉnh (khai thác sản lượng đạt 80 ngàn thùng/ngày-đêm); Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 công suất 1.200 MW và 2 dự án điện gió công suất 36 MW đưa vào sử dụng…

Tuy có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng nếu nhìn vào tiềm năng lợi thế của Bình Thuận có được thì sự phát triển đó chưa tương xứng, chưa có sự đột phá mạnh và thiếu bền vững, tỷ trọng đóng  góp của kinh tế biển vào GDP còn thấp. Đáng lo ngại là ngư trường bị thu hẹp, chất lượng và hiệu quả hoạt động khai thác hải sản chưa cao; công nghiệp chế biến thủy sản còn yếu; tăng trưởng dịch vụ du lịch chậm lại; kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế biển còn thiếu; quản lý bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản còn bất cập…

Ngày nay, trước bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, nên “vươn ra biển” đã trở thành xu thế chủ đạo của các quốc gia có biển. Bình Thuận là tỉnh ven biển và có nhiều lợi thế, do đó trong tương lai phải trở thành một tỉnh  mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn trung và dài hạn. Theo một số chuyên gia, Bình Thuận phát triển kinh tế biển đảo nên bắt đầu từ việc ưu tiên chính sách hỗ trợ và đầu tư cho những ngành kinh tế chủ lực gồm: du lịch, thể thao biển; khai thác, chế biến thủy - hải sản; vận tải biển; công nghiệp phục vụ kinh tế biển đảo. 4 ngành này phải nằm trong tốp ưu tiên hàng đầu trong số các sản phẩm lợi thế đã được xác định ưu tiên của Bình Thuận.

Để có cơ sở xây dựng chính sách phát triển kinh tế biển đồng bộ, hiệu quả, trước hết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế biển cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, khắc phục tình trạng chồng lấn, mâu thuẫn giữa các quy hoạch (du lịch, chế biến nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản). Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế biển cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, phù hợp với quy hoạch của vùng và của cả nước. Chú ý khắc phục tình trạng chồng lấn, mâu thuẫn giữa các quy hoạch.  Công bố công khai quy hoạch và các chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh như du lịch, thủy sản, công nghiệp năng lượng.

Để tạo sự đột phát trong kinh tế biển, cần chú trọng đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ biển. Phát huy và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là công nghệ sinh học, chuyển giao công nghệ phù hợp nhằm tạo bước chuyển mạnh về năng suất, chất lượng và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội biển. Đặc biệt cần chú trọng giải pháp phát triển nguồn nhân lực các ngành kinh tế biển, từng bước nâng cao trình độ nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham mưu, quản lý và lực lượng lao động.

Quy hoạch đồng bộ, tối ưu; chính sách thông thoáng, ưu đãi;  ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và xây dựng được nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng cao là những nhân tố để Bình Thuận phát triển mạnh mẽ kinh tế biển và làm giàu từ biển trong tương lai. 

 HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để mạnh về biển, giàu từ biển