Theo dõi trên

Dịch bệnh dai dẳng, du lịch khó phục hồi

12/11/2021, 08:36 - Lượt đọc: 24

BT- Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì quá trình phục hồi kinh tế tới đây có thể diễn ra theo các kịch bản khác nhau: Theo hình chữ V, U, W hay L.

Trong đó phục hồi theo hình chữ V là lý tưởng nhất, nền kinh tế chạm đáy rồi phục hồi ngay với tốc độ nhanh, nhưng đòi hỏi phải kiểm soát tốt dịch bệnh. Phục hồi theo hình chữ U có nghĩa nền kinh tế phải tiếp tục vật lộn dưới đáy một thời gian nhất định, rồi mới tăng tốc trở lại. Phục hồi theo hình chữ W là quá trình vất vả, gượng dậy rồi lại sa sút, rồi lại hồi phục… Còn phục hồi theo hình chữ L là tồi tệ nhất, nền kinh tế bò ngang dưới đáy không hồi phục nổi.

Các nước trên thế giới, mô hình phục hồi kinh tế không giống nhau. Ở nước ta quá trình phục hồi kinh tế của các địa phương cũng có sự đan xen, pha trộn mô hình. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (hay ở Bình Thuận chúng ta), sau thời gian ngắn nới lỏng, mở cửa trở lại thì dịch bệnh tái phát, phải nâng cấp các biện pháp giãn cách, phòng ngừa, nên quá trình phục hồi kinh tế sẽ gặp khó khăn hơn.

Du lịch Bình Thuận là một ví dụ điển hình. 2 năm qua, chúng ta không nhớ nổi du lịch đã phải đóng - mở bao nhiêu lần? Bao nhiêu lần kích cầu du lịch bất thành? Mới hơn chục ngày trước thôi, nhân kỷ niệm ngày Du lịch Bình Thuận (24/10), Bình Thuận đã tổ chức lễ đón những du khách đầu tiên tới Bình Thuận sau thời gian dài du lịch tê liệt vì dịch. Ban đầu có 2-3 cơ sở rồi tăng lên 20 cơ sở lưu trú du lịch ở Phan Thiết, La Gi đủ điều kiện được phép đón khách. Ai cũng vui mừng khi chứng kiến các resort đón những đoàn khách đầu tiên (chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh). Hàng ngàn cơ sở lưu trú khác ở Bình Thuận cũng khấp khởi hy vọng đến lượt mình được mở cửa đón khách trở lại. Hàng vạn lao động du lịch hy vọng được gọi đi làm trở lại, sau thời gian dài thất nghiệp.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Sau thời gian ngắn nới lỏng giãn cách, số ca F0 tăng nhanh trở lại, chỉ trong khoảng chục ngày đầu tháng 11, Bình Thuận đã có trên 1.500 ca F0, 9/10 huyện, thị xã, thành phố có F0, tập trung nhiều nhất ở Phan Thiết với hàng ngàn ca F0. Thành phố phải trở lại “vùng đỏ” từ ngày 8/11, các chốt kiểm soát được tái lập, người dân không được ra khỏi nhà vào ban đêm, chính quyền siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.

Ngay lập tức du lịch phải điều chỉnh hoạt động theo cấp độ dịch, theo đó các cơ sở lưu trú ở Phan Thiết - Mũi Né đã được phép đón khách thì được tiếp tục đón khách, nhưng hoạt động không quá 50% công suất phòng. Đồng thời có phương án di chuyển khách theo nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến” và đưa đón khách theo quy trình khép kín từ nơi đi đến nơi ở và ngược lại (các cơ sở du lịch phải làm việc, thông báo với các chốt kiểm soát về danh sách khách đã đặt phòng ở cơ sở). Cùng với đó phải cam kết bảo đảm khách du lịch không được rời khỏi nơi lưu trú, chỉ được hoạt động trong khuôn viên cơ sở suốt kỳ nghỉ. Còn các cơ sở lưu trú du lịch còn lại không được phép hoạt động.

Đó là phía “chủ”, còn về phía “khách”, thực ra trong lúc dịch giã chưa yên này, mấy ai can đảm dẫn cả nhà ra “vùng đỏ” du lịch?

Năm hết tết đến, mà dịch bệnh vẫn dai dẳng. Mùa cao điểm đón khách quốc tế của Mũi Né thì “toang” rồi, còn mùa du lịch tết Nhâm Dần 2022 thì phập phồng chưa biết ra sao? Có được mở cửa đón khách hay không? Khách du lịch thì e dè, nghe ngóng, chưa dám đặt tour tết. Với người lao động du lịch, lương còn không có, nói gì thưởng tết? Du lịch chậm phục hồi kéo theo nhiều ngành - nghề liên quan đến du lịch cũng bị ảnh hưởng theo.

Về tốc độ phủ vắc xin, tính đến đầu tuần này trên 82% dân số Bình Thuận (từ 18 tuổi trở lên) đã được tiêm mũi 1, nhưng mới trên 20% được tiêm đủ 2 mũi. Kinh nghiệm một số nơi muốn mở cửa du lịch thì trước tiên phải phủ vắc xin hết cho toàn dân khu vực đó để có miễn dịch cộng đồng. Bình Thuận có Khu du lịch quốc gia Mũi Né, cần kiến nghị Bộ Y tế ưu tiên phân bổ để tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho cộng đồng dân cư và người lao động du lịch trong khu du lịch quốc gia Mũi Né (thậm chí ưu tiên tiêm mũi 3 tăng cường vào cuối năm nay). Sớm đưa Mũi Né trở về “vùng xanh”, thực sự là “điểm đến an toàn” cho du khách trong dịp Tết Nguyên đán tới, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các khu du lịch khác, để bắt kịp đà hồi phục của du lịch cả nước.

Kiểm soát tốt dịch bệnh là tiền đề phục hồi kinh tế - xã hội. Nhưng trong lúc nguy cơ bùng phát dịch còn rất lớn, thì đáng lo ngại nhất là trong cộng đồng dân cư còn có tâm lý chủ quan, lơ là, không thực hiện nguyên tắc “5K” phòng chống dịch. Cho dù đã bao phủ hết vắc xin cho toàn dân, thì vẫn khó kiểm soát được dịch bệnh, nếu dân vẫn chủ quan, lơ là phòng chống dịch.                       

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch bệnh dai dẳng, du lịch khó phục hồi