Theo dõi trên

Đột phá từ Quảng Ninh

01/04/2016, 08:39

BT- Tiến hành đổi mới tổ chức bộ máy Đảng – chính quyền địa phương, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã nhất thể hóa 9 trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ, 7 chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra, 5 trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ. Quảng Ninh cũng đã nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy xã, phường với chủ tịch UBND ở 63 địa phương, 449 chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn cũng được nhất thể hóa…

Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Quảng Ninh đã tinh giảm được hàng ngàn biên chế, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi thường xuyên mỗi năm, bộ máy bớt cồng kềnh, tinh gọn hơn nên hoạt động hiệu quả hơn. Bớt họp hành, tăng trách nhiệm – đó là ghi nhận đầu tiên ở những nơi đã nhất thể hóa bí thư – chủ tịch. Quảng Ninh liên tục nằm trong top các tỉnh dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

T.S Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp – UB Thường trực Quốc hội) đánh giá: Thí điểm đột phá hợp nhất cơ quan Đảng và quản lý mà Quảng Ninh đang thực hiện mang lại nhiều lợi ích, tinh giảm được bộ máy, nhất là đội ngũ người đứng đầu, kèm theo là tiết kiệm về kinh tế rất lớn, từ lương bổng đến các chi phí khác, tiết kiệm nguồn lực và đóng góp của dân.

Dư luận cả nước đón nhận những tín hiệu đột phá từ Quảng Ninh một cách rất tích cực và hy vọng. Bởi lẽ vấn đề cải cách bộ máy, tinh giảm biên chế đã trở nên quá bức bách, gần như một mệnh lệnh, không thể chần chừ được nữa.

Ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) khi nói về tinh giảm biên chế đã phải dùng hình ảnh “một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo” để lột tả bộ máy cồng kềnh vượt quá sức chịu đựng của dân.

Theo đại biểu Đương: Thu ngân sách được 1 triệu tỷ đồng mỗi năm, nhưng chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính đã hết 400 ngàn tỷ đồng, rồi bao nhiêu chi phí khác nữa, nào chi phí hành chính, chi phí công vụ, tốn lắm, làm không đủ chi cho riêng bộ máy nhà nước này thì còn làm gì phát triển được?

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung thì cho rằng: Cần quyết liệt tinh gọn ngay bộ máy, bộ máy càng lớn gắn với nợ công, bội chi ngân sách càng lớn, khó mà giảm được. Nghĩa là chỉ nuôi bộ máy cũng đủ nghèo.

Việt Nam là nước nghèo có khoảng 90 triệu dân, nhưng có tới 2,8 triệu công chức, 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tức là từ đóng góp của dân. Đáng nói là 30% trong đội ngũ công chức đông đảo ấy “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, nghĩa là chỉ hưởng lương chứ không làm việc, có họ cũng được, không có cũng chẳng sao (theo cách nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).

Đáng nói hơn là từ bộ máy cồng kềnh đông đảo ấy, cùng với thủ tục hành chính quá nhiêu khê, phiền hà, đẻ ra vô số tệ nạn quan liêu, nhũng nhiễu, hành dân và doanh nghiệp.

Thực tiễn từ Quảng Ninh là một sự gợi mở, một sự đột phá trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Nhân dân đang khát khao chờ đợi sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có quyết sách mạnh mẽ đổi mới hệ thống chính trị, cải cách thể chế kinh tế, đưa đất nước đi lên.

Xin nhắc lại lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH – ĐT Bùi Quang Vinh tại Đại hội Đảng lần thứ 12: 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.

Một hệ thống chính trị phù hợp nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí là rào cản trở ngại cho sự phát triển.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đột phá từ Quảng Ninh