Theo dõi trên

Đưa nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống

02/10/2018, 09:47 - Lượt đọc: 6

BT- Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy Bình Thuận đã tổ chức hội nghị quán triệt đến cán bộ chủ chốt của tỉnh và đã ban hành chương trình hành động khá cụ thể.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, địa phương, và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Qua học tập, quán triệt nghị quyết, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh được nâng lên, đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội về phát triển kinh tế tư nhân.

Thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Triển khai thực hiện các nội dung đã được UBND tỉnh ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hàng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị tổng kết cải cách hành chính, phân tích đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Par Index, PAPI, đưa kết quả đánh giá cải cách hành chính và hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng. Thực hiện đăng ký bản cam kết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện công tác cải cách hành chính.

Trong 2 năm qua, toàn tỉnh có 2.128 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 23.326 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 5.624 doanh nghiệp được thành lập với tổng nguồn vốn đăng ký khoảng 75.945 tỷ đồng (tăng 64,7% so với năm 2015). Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của tỉnh chiếm 67%. Trong 6 tháng đầu năm 2018 có 663 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước.

 Nhìn chung, trong thời gian qua hoạt động của kinh tế tư nhân phát triển nhanh về số lượng, quy mô, đa dạng ngành nghề sản xuất kinh doanh, thu hút được nhiều lao động, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Tuy nhiên, các thành phần kinh tế dù có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập; kinh tế tư nhân phát triển tự phát, đa số có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh thấp; trình độ, năng lực của đội ngũ quản trị doanh nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.  Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong tỉnh còn rất hạn chế.

Trong thời gian tới, Bình Thuận cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân với các giải pháp sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó ra sức thực hiện nghị quyết để đạt kết quả tốt.

Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sở hữu trí tuệ; giải quyết tranh chấp dân sự; đăng ký và giao dịch tài sản;… bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công.

Tiếp tục phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp theo nghị quyết của Chính phủ. Tiếp tục tạo thuận lợi trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các loại thị trường phát triển, như: thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường tài chính, tín dụng, bảo hiểm; thị trường khoa học công nghệ; thị trường bất động sản; thị trường lao động…

Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống