Theo dõi trên

Giải phóng công suất

15/11/2019, 08:12 - Lượt đọc: 6

BT - Trong khi Việt Nam đang rất thiếu điện thì hàng loạt nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm đến 60-70% công suất, do điện lưới đã quá tải và các nhà máy không thể bán điện được - nghịch lý thừa - thiếu này khiến doanh nghiệp thiệt thòi còn dư luận thì bức xúc... Nhiều ý kiến bình luận: “Điều này chỉ có ở Việt Nam, đầu này kêu thiếu điện, tăng giá, đầu kia nói quá tải, bắt giảm”; “EVN luôn kêu thiếu điện nhưng điện sạch doanh nghiệp làm ra lại bị cắt giảm công suất, hạn chế đưa lên truyền tải, là cớ làm sao?”; “Có nên xóa độc quyền ngành điện để tăng tính cạnh tranh và giảm giá điện không?”...

Tuần qua, nhiều đại biểu quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về vấn đề này. Trong đó đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chất vấn: Thiếu hạ tầng truyền tải điện nên nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng không được chấp nhận, những doanh nghiệp đã đầu tư và đang hoạt động (cả điện gió và điện mặt trời) thì bị cắt giảm công suất, gây lãng phí về nguồn lực và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, trong khi nước ta còn rất thiếu điện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này?

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận đã có sự phát triển không đồng bộ của hệ thống truyền tải điện, khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không giải phóng hết công suất, mới ở mức 30 - 40% (nghĩa là còn 60 - 70% công suất nữa. Theo Bộ trưởng: khi lập quy hoạch điện đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Đặc biệt quyết định 11 về cơ chế ưu đãi giá điện mặt trời là 9,35 cent/kwh trong 20 năm (với các dự án vận hành trước 30/6/2019) thực sự là “cú hích” cho hàng trăm dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Thực tế tới 30/6 khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành góp phần bổ sung nguồn điện.

Bộ trưởng nêu khó khăn khi nhà nước còn độc quyền truyền tải điện, EVN thiếu nguồn lực nên việc bổ sung các đường dây 110 KV, 220 KV không thực hiện kịp. Theo Bộ trưởng: Sang năm 2020 khi có thể giao tư nhân đầu tư đường dây tới 500 KV, thì sẽ có thêm nguồn lực phát triển hạ tầng điện. Giải pháp vừa cấp bách vừa lâu dài là đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi một số nội dung trong luật đầu tư và luật điện lực, cho phép xã hội hóa đầu tư hệ thống truyền tải điện.

Trên cả nước, Bình thuận và Ninh Thuận là 2 tỉnh thiếu mưa, thừa nắng, thừa gió, nên muốn biến cái bất lợi thành lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo. Riêng Bình Thuận tiềm năng các dự án điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi lên tới 25.000 MW. Tuy nhiên với hệ thống đường dây truyền tải và trạm biến áp hiện có, và cả theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020 và 2025, chỉ gần 11.000 MW thì không thể giải phóng hết công suất cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở Bình Thuận trong những năm tới. Vừa qua dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đã bị chững lại do điện làm ra không tiêu thụ được.

Vì vậy, Bình Thuận đang kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương tập trung đầu tư một số công trình truyền tải 500 KV, 220 KV, đồng thời cải tạo, nâng cấp các hệ thống truyền tải và trạm biến áp hiện có. Tương lai Bình Thuận đã được Bộ Chính trị xác định trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, sẽ có thêm nhiều dự án lớn điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí được đầu tư, cần tích cực tháo gỡ “điểm nghẽn” trên để giải phóng tiềm năng của Bình Thuận.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải phóng công suất